Chiều 30 Tết vẫn còn còng lưng với gánh ve chai
(Dân trí) - Những người hành nghề mua ve chai, phế liệu, thồ hàng,… vẫn còn miệt mài đến chiều 30 tết mới nghỉ. Bởi họ đa số là bà con lao động nghèo nên dù tết đến tận ngỏ, họ vẫn miệt mài làm việc, kiếm chút tiền, mang tết về nhà.
Từ 28 Tết, cán bộ công nhân viên được nghỉ làm, người dân tất bật dọn nhà ăn tết, vì thế những ngày này, dân hành nghề mua ve chai, phế liệu “trúng đậm”, bởi ai cũng muốn tống đi những thứ cũ, không còn xài,…để căn nhà được gọn gàng, tươm tất đón tết.
Bà Nguyễn Thị M. – xã Nhơn Hưng, (huyện Tịnh Biên, An Giang) cho biết: “Tôi sống với nghề gánh ve chai này gần 20 năm rồi. Làm nghề này “vui nhất” nhất là những ngày cuối năm, người dân bán hàng nhiều lắm, tha hồ mà mua, chỉ sợ mình không đủ sức gánh hàng. Năm nay, cũng như mọi năm, tui đi mua ve chai đến chiều 30 mới nghỉ (29 âm lịch, nếu không có 30 tết - PV), gắng gánh thêm vài gánh có thêm chút tiền, lì xì lấy hên cho con cháu”.
Với những người hành nghề ve chai như bà M. tuy có nặng gánh vào những ngày cận tết nhưng cảm thấy vui.
Anh Nguyễn Văn Ba – hành nghề chạy xe ôm, kiêm chở hàng ở đường hoa Hoàng Văn Thụ cho biết: “Người ta thường nói làm 1 năm cho 3 ngày tết, còn cánh xe ôm, chở hàng như tụi tui thì 1 năm có được mấy ngày cận tết là làm có tiền nhất, bởi vậy mấy này anh em vắt hết sức để chạy đến chiều 30 hết khách mới nghỉ.”
Cánh ve chai, người chở hàng, chạy xe ôm,…đa số là những lao động nghèo nên mỗi khi Tết đến họ luôn sống trong tâm trạng “mừng ít, lo nhiều”, vì đồng tiền kiếm được chỉ có 1 nhưng ngày tết chi xài đến 3-4 lần.
Còng lưng cho những chuyến hàng
Tết tận ngõ,... mẹ vẫn còn bươn chải ngoài đường
Dù có vất vả,...nhưng họ vẫn miệt mài với công việc, mong có ít tiền tiêu tết
Vì cuộc sống mưu sinh, đôi khi những người chở hàng thuê đánh cược mạng sống của mình như thế này
Những chuyến xe mô tô chở hàng "không có tải trọng"