Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta

Đăng Đức

(Dân trí) - Chiến thắng đường 9 Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành tác chiến của Quân giải phóng, giáng đòn chí mạng làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn.

Ngày 19/3, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học "Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971- Giá trị lịch sử và hiện thực".

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (23/3/1971) là một trong những chiến công vang dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; là biểu hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - 1

Quân đội phản công trong chiến dịch đường 9 (Ảnh tư liệu).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo nhấn mạnh, chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 là sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội ngụy, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - 2

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta.

Đầu năm 1971, sau 2 năm triển khai chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn cả về số lượng và chất lượng, quân Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tập trung vào khu vực đường 9 Nam Lào.

Tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn huy động những đơn vị thiện chiến nhất, bao gồm 55.000 quân, trong đó có 15.000 quân Mỹ cùng rất nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại, tối tân.

Dự đoán được âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào. Tháng 2/1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận đường 9 Nam Lào (Mặt trận 702) do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh.

Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1/1971-23/3/1971) liên tục tấn công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận đường 9 Nam Lào đánh cho quân đội ngụy Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" 1 đòn chí mạng. Quân ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại một số lữ đoàn, trung đoàn khác…

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - 3

Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng "Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971" chọn tỉnh Quảng Trị để tổ chức bởi mảnh đất này được xem là trọng điểm của chiến dịch.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, chiến thắng đường 9 - Nam Lào là đòn giáng mạnh vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của quân đội Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Đây là thắng lợi điển hình để quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972.

Ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng, Quảng Trị là vùng đất nằm ở tâm điểm của khúc ruột miền Trung. Mảnh đất này từng diễn ra nhiều cuộc chiến tranh triền miên, sinh tử. Do đặc điểm về địa lý, nên xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong bất kỳ giai đoạn nào Quảng Trị luôn là "tâm điểm" là một hướng chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị của quân ta và địch.

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - 4

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tại hội thảo.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Trị bày tỏ, hội thảo này chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ cả nước, quân và dân Lào anh em nói chung, quân dân 2 tỉnh Quảng Trị và Savannakhet nói riêng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu vì sự trường tồn của 2 dân tộc, vì mối quan hệ đặc biệt 2 nước Việt - Lào anh em.

Chiến thắng đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta - 5

Chiến thắng đường 9 Nam Lào cách đây 50 năm mang ý nghĩa lịch sử to lớn.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị khẳng định, những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã đồng sức đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, tập trung huy động nguồn lực, đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực cho sự phát triển. Quảng Trị đã biến những bất lợi, khắc nghiệt của thiên nhiên thành tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

50 năm đã trôi qua, chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một trong những chiến công chói lọi. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ôn lại truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.