(Dân trí) - Trong thời gian giãn cách xã hội đợt 2, song song với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lịch sử, Hà Nội cũng đã triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất từ trước đến nay.
(Dân trí) - Trong thời gian giãn cách xã hội đợt 2, song song với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lịch sử, Hà Nội cũng đã triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất từ trước đến nay.
Giãn cách để giữ thế chủ động
Tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7 nhưng nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất cao.
Theo ông Phong, Hà Nội vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận thành phố vẫn diễn biến phức tạp.
"Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn thành phố" - ông Phong nhấn mạnh.
Trước đó, phân tích về quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách từ 6h ngày 8/8 đến 6h ngày 23/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ở thời điểm đó, diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia. Trên thực tế, Hà Nội không thể "đóng cứng", vẫn phải có giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
"Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được" - Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong nhận định.
Đồng thời, việc tiếp tục giãn cách là cần thiết để Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, quan điểm chỉ đạo phòng, chống dịch của Thành ủy là phải chủ động chuẩn bị trước ở mức độ cao hơn, quyết tâm không để phải cách ly F0 tại nhà.
Mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng "truy" F0
Trong thời gian giãn cách xã hội đợt 2, song song với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lịch sử, Hà Nội cũng đã triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất từ trước đến nay.
Để thực hiện kế hoạch, UBND TP Hà Nội yêu cầu huy động mọi nguồn lực triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn, bảo đảm chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Trong giai đoạn một của chiến dịch, Hà Nội lên kế hoạch lấy mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã với tổng cộng 300.000 mẫu, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ (trọng điểm là quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, mỗi địa bàn theo kế hoạch lấy 50.000 mẫu) và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
"Đồng thời, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh" - bà Hà khẳng định.
Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố có kế hoạch tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ cao, khu vực trọng điểm. Dự kiến sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 100% dân số tại các khu vực dịch có diễn biến phức tạp. Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2 triệu test nhanh.
Cũng trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội đợt 2, các phường, xã trên địa bàn thành phố đã thiết lập chốt bảo vệ "vùng xanh" tại các khu dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố… để phòng, dịch Covid-19.
Tại các chốt, mỗi khi có người ra vào khu vực "vùng xanh", lực lượng tự quản sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ đi đường. Trường hợp nào không có giấy đi đường, hoặc người dân từ địa bàn khác đến sẽ không được lực lượng tự quản cho đi vào.
Siết việc đi lại, thành lập hơn 4.000 chốt kiểm soát nội đô
Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã ban hành văn bản quy định giấy đi đường cho 5 nhóm đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố.
Động thái này nhằm tạo điều kiện cho người dân các tỉnh, thành phố khác di chuyển ra khỏi Hà Nội khi kết thúc thời gian điều trị tại các bệnh viện; thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại khu vực ven đô, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố.
Kể từ thời điểm đầu khi Hà Nội giãn cách xã hội, lực lượng Công an TP Hà Nội đã lập tức triển khai 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ và 44 chốt tại các đường nhánh, đường ngang để kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố.
Thời gian về sau, Công an TP đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu thành lập hơn 4.000 chốt trong nội đô vừa để kiểm soát người, phương tiện, vừa bảo vệ "vùng xanh". Đồng thời, thành lập gần 800 tổ tuần tra lưu động để kiểm soát, giám sát việc chấp hành giãn cách xã hội và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang…
Ngày 16/8, Công an TP Hà Nội đã thành lập thêm 6 tổ công tác tuần tra, kiểm soát cơ động mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên người phương tiện trên đường hoặc trong một tuyến phố, qua đó đánh giá hiệu quả các biện pháp về giãn cách xã hội để kịp thời tham mưu các biện pháp phù hợp…
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trải qua 28 ngày giãn cách xã hội, đã có hơn 21.000 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bị lực lượng chức năng xử lý.
Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ người dân
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 3 Nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng, đồng thời đồng ý bố trí thêm 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn vay giúp khắc phục khó khăn do đại dịch.
Trong đó, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo; các đối tượng bảo trợ xã hội; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Đặc biệt, đối với các trường hợp người lao động cũng bị ảnh hưởng nhiều mà chưa được quy định hỗ trợ tại các nghị quyết, quyết định của Chính phủ cũng đã được Hà Nội bổ sung.
Cụ thể, nhóm đối tượng này gồm có: người lao động làm việc tại hộ kinh doanh, làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh, cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19...
Ngoài ra, các chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch cũng sẽ được hỗ trợ. Riêng đối với các trường hợp người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ/con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi cũng được bổ sung thêm một triệu đồng/người.
Cùng với các chính sách đặc thù, Thường trực HĐND thành phố cũng quyết nghị hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn trong 4 tháng cuối năm 2021 với mức hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho: Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn; các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt một (tối đa là 10m3 nước/hộ dân).
Đồng thời, hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân khác.
Bên cạnh đó, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết quy định ngân sách đảm bảo chi phí hỏa táng đối với người tử vong do Covid-19.