Việt Nam gia nhập WTO:
Chiếc Lexus và cây lúa
(Dân trí) - Mượn lại hình ảnh về chiếc Lexus hiện đại và cây olive, sản phẩm của những người nông dân bên bờ sông Jordan của Thomas Friedman, có thể nói chúng ta đã đặt chân lên chiếc xe Lexus WTO của thương mại quốc tế. Vấn đề là các phương thức, và quan trọng hơn là tư duy, sản xuất và kinh doanh truyền thống vẫn đang là một trở lực níu giữ chúng ta.
Vậy là đến thời điểm này, Việt Nam có thể coi như đã chính thức trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong tài liệu chính thức của WTO giới thiệu về tổ chức này, “An introduction to the World Trade Organization”, có đưa ra một câu chuyện vui làm định nghĩa, đại ý trong một cuộc thảo luận về WTO, những thành viên đang tràn đầy ý tưởng, nói rằng WTO phải làm cái này, WTO phải làm cái kia. Nhưng có một thành viên bỗng nhiên cắt lời: “Chờ chút, WTO là một cái bàn. Mọi người ngồi xung quanh cái bàn đó để đàm phán. Các anh có thể trông đợi một cái bàn sẽ làm gì?”
Câu chuyện hóm hỉnh này nói lên một thực tế, WTO không phải là một thứ quyền lực, để trong chốc lát có thể dỡ bỏ toàn bộ các loại rào cản, và trước mắt các doanh nhân Việt Nam là các thị trường mà khả năng gia nhập là vô hạn.
Nhìn từ khía cạnh cách nói của câu chuyện, chính thức vào WTO cũng có nghĩa là Việt Nam chính thức có một chỗ ngồi trên bàn đàm phán, có thể cất lên tiếng nói của mình, đòi hỏi những quyền lợi cho quốc gia mình. Nhưng trọng lượng của tiếng nói đó lại phụ thuộc rất nhiều vào nội lực kinh tế và sức cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Thế nhưng, ngay cả sau khi vào WTO, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với một thực tế là Việt Nam, cho dù đã có những thành tựu lớn về kinh tế, hiện vẫn ở một vị trí rất thấp trong bản đồ kinh tế thế giới.
Có nghĩa là sau ngày hôm nay chúng ta vẫn phải đối mặt như đã từng đối mặt với những rủi ro và thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế: tốc độ và phạm vi của thay đổi kinh tế toàn cầu, sức ép từ các nền kinh tế lớn, sự cạnh tranh từ các nền kinh tế mới đang nổi lên, nhất là từ những nước nghèo với những mô hình sản xuất tương tự Việt Nam, những thay đổi cơ bản trong phương thức kinh doanh và chuỗi cung ứng.
Sản xuất và hoạt động thương mại dĩ nhiên là yếu tố không thể thay thế được trong việc tạo ra và duy trì sức mạnh tăng trưởng này. Điều này đặc biệt đúng với một nước mà khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn và phát triển kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu như Việt Nam. Tuy nhiên, do cấu trúc của thị trường thế giới, đây cũng là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trên thị trường toàn cầu mỗi khi có sự thay đổi về giá.
Cuối những năm 1990, cách chúng ta nửa vòng trái đất, những nhà kinh doanh và nông dân trồng cà phê và cả nền kinh tế của một số nước sản xuất cà phê thô Nam Mỹ có lẽ lần đầu tiên cảm thấy cú đánh của toàn cầu hóa khi thị trường cà phê nguyên liệu sụt giá bất thường do một lượng cà phê lớn từ Việt Nam được cung cấp vào thị trường thế giới với mức giá thấp.
Kinh nghiệm xương máu đó hoàn toàn có thể quay trở lại tác động vào chính Việt Nam. Các sản phẩm thủy sản, cà phê, gạo, ... của Việt Nam, sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ ban đầu, hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng giá thấp và sức cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới từ các nhà cung cấp khác
Có một nghịch lý là ai cũng muốn duy trì tăng trưởng, nhưng không ai muốn sự thay đổi. Tuy nhiên điều đó là bất khả trong thế giới hiện nay. Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có một phần đóng góp rất lớn vào xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu. Hàng hóa Việt Nam đã hội nhập thương mại toàn cầu với lợi thế cạnh tranh chủ yếu là nhân công giá rẻ và quy mô sản xuất hợp lý. Thế nhưng nó cũng đặt Việt Nam vào sức ép cạnh tranh khốc liệt từ những nước có mô hình sản xuất tương tự.
Những nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra, tình trạng nghèo đói tại khu vực nông thôn của các nước đang phát triển không phải do họ làm nông nghiệp, mà do có quá nhiều người cùng sản xuất trên một đơn vị diện tích nông nghiệp. Tuân theo quy luật lợi nhuận biên giảm dần, sự gia tăng liên tục lượng người sản xuất trên diện tích nông nghiệp giới hạn sẽ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên và cái bẫy nghèo đói không thể thoát ra của khu vực nông thôn.
Mượn lại hình ảnh về chiếc Lexus hiện đại và cây olive, sản phẩm của những người nông dân bên bờ sông Jordan của Thomas Friedman, thì chúng ta đã đặt chân lên chiếc xe Lexus WTO của thương mại quốc tế. Vấn đề là các phương thức, và quan trọng hơn là tư duy, sản xuất và kinh doanh truyền thống vẫn đang là một trở lực níu giữ chúng ta.
Đã đến lúc nghĩ đến việc tìm kiếm và phát triển những mô hình tăng trưởng mới thay vì cưỡng ép tăng trưởng bằng cách tiếp tục mở rộng quy mô của một mô hình đã đến giới hạn của tài nguyên và ngưỡng tối đa của hiệu quả.
Trong bản báo cáo đầu năm nay về bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới, EIU - bộ phận phân tích kinh tế của The Economist đã đưa ra kịch bản phát triển của các nền kinh tế toàn cầu cho đến 2020, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý là trong kịch bản này, giai đoạn 2006 – 2010 sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam với mức tăng trưởng lên đến 7% mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc và bỏ xa các nước khác
Như vậy, năm 2006, với một loạt sự kiện quan trọng, trong đó quan trọng nhất là trở thành chủ nhà APEC và gia nhập WTO, là một sự khởi đầu nhiều sức bật cho một thời kỳ mà kinh tế Việt Nam đang có nhiều thế và lực nhất. Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ tận dụng thế và lực đó để cất cánh ra sao?
Trương Trí Vĩnh