1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chiếc đoản đao và cuộc gặp bí mật với "vua mèo"

Đại tá Ma Từ Đông Hải, Trưởng phòng Biên phòng – Bộ Tham mưu Quân khu 1, con trai trưởng của Đại tá Mai Trung Lâm vẫn giữ gìn một kỷ vật quý giá. Đó là đoản đao và chiếc tẩu thuốc phiện do ông Vương Chí Sình tặng gia đình.

Đại tá Mai Trung Lâm (14/1/1914 - 15/4/2000) từng học Trường Quân sự Hoàng Phố (tháng 6-1941), Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu Tự trị Việt Bắc (1959 – 1975). Năm 1976, ông được phong hàm Đại tá và nghỉ hưu năm 1984, hưởng lương cấp Thiếu tướng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Mai Trung Lâm không gắn với những chiến công vang dội, hiển hách để ai ai cũng phải biết đến. Song cứ âm thầm mà kiêu hãnh, ông luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lặng lẽ làm tròn nhiệm vụ của mình.

Kỷ vật hơn 60 năm

Mỗi lần ngược đường lên Thái Nguyên, qua những địa danh Đồng Hỷ, Võ Nhai, Mỏ Gà, Khuôn Mánh,… tôi cứ luôn tự nhẩm trong đầu ca khúc Bắc Sơn của nhạc sĩ Văn Cao: “Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió”…

Chỉ một dải đất quanh huyện Võ Nhai mà bao cái tên đã đi vào lịch sử giải phóng dân tộc: Chu Văn Tấn, Đường Thị Ân, Lê Dục Tôn… “Con hùm xám Bắc Sơn” – Thượng tướng Chu Văn Tấn giờ đây yên nghỉ trên quả đồi của gia đình tại xã Phú Thượng.

Qua hang Mỏ Gà, La Hiên, Đình Cả, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về vị “Nữ tướng Võ Nhai” Trần Thị Minh Châu oai hùng năm nào khi sang tuổi 90 thì ký ức chỉ là những vệt khói xa xăm. Bà đã ra đi năm 95 tuổi để lại danh tiếng “Nữ tướng Võ Nhai” đầy huyền thoại và cũng đầy nỗi niềm “dậy non”.

Về đến thị trấn huyện Đồng Hỷ, tôi có may mắn được hầu chuyện Đại tá Hoàng Long Xuyên, vị phó tướng của “Thập Vạn Đại Sơn” nay đã vượt mốc 100 tuổi đời vui sống cùng con cháu. Còn một kiện tướng khác, cùng chung cặp hồ sơ với Đại tá Hoàng Long Xuyên là Đại tá Mai Trung Lâm… tiếc rằng tôi chỉ được chép lại chuyện qua những hồi quang của chiến công.

Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cảnh quan thay đổi quá nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn không thay đổi. Vượt qua cây cầu Gia Bảy, hỏi thăm gia đình ông Mai Trung Lâm, người dân địa phương tận tình chỉ lối.

Đại tá Mai Trung Lâm (người đứng giữa - Tư liệu gia đình).
Đại tá Mai Trung Lâm (người đứng giữa - Tư liệu gia đình).

Tôi đứng trước ngôi nhà cũ được xây dựng từ năm 1976. Đây vốn là ngôi nhà cấp 4 với vườn cây táo ông tự tay vun trồng. Nhà cũ còn đây, con cháu quây quần đầm ấm như ngày nào, chỉ người xưa đi xa vắng. Những kỷ vật giản dị ông để lại còn nguyên như chờ đợi bàn tay ông sắp xếp.

Dẫn tôi vào thăm ngôi nhà cũ, Đại tá Ma Từ Đông Hải kể lại: “Sau chín năm trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi, trên đường từ Đồng Văn (Hà Giang) về thủ đô (năm 1955), ông Vương Chí Sình và vợ đến thăm gia đình ông Mai Trung Lâm, tại khu gia đình Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc (nay là khu Quảng trường Võ Nguyên Giáp – TP Thái Nguyên).

Ông tặng gia đình và nói với bà Từ Thị Văn, vợ ông Mai Trung Lâm: “Tôi không có gì cho thím cả, chỉ có cái này thôi, để làm kỷ niệm!”.

Đó là đoản đao đã theo suốt hành trình sự nghiệp của ông Vương Chí Sình cho đến ngày đất nước hoà bình. Và ông Vương Chí Sình tặng ông Mai Trung Lâm chiếc tẩu hút thuốc phiện mà ông Lâm đã tiêm cho ông Vương Chí Sình hút trên đường từ Hà Giang về thủ đô Hà Nội 10 năm trước đó (năm 1945).

Tháng 8 ở Hà Giang

Tháng cuối cùng của năm 2017, tôi cùng một số anh em đồng nghiệp lên với cao nguyên đá Đồng Văn. Ngược con đường Hạnh Phúc tới đỉnh Mã Pí Lèng vắt mình sang Mèo Vạc.

Con đường này từng ghi dấu ấn Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu tự trị Việt Bắc – Mai Trung Lâm phải vượt cổng trời tiến vào cao nguyên đá khi bạo loạn ở Đồng Văn. Trước đó, năm 1945, chính ông cũng đã là người chỉ huy giải phóng Hà Giang, giải phóng Đồng Văn.

Tôi dừng nghỉ chân ở kilomet số 0 của tỉnh Hà Giang mà trong lòng cứ tự hỏi, không biết hơn 70 năm về trước, ông Mai Trung Lâm lên giải phóng Hà Giang đã gặp khó khăn như thế nào? May mắn thay, những tư liệu do Trung tá Hoàng Thế Dũng (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân) ghi lại theo lời kể của Đại tá Mai Trung Lâm rất cụ thể.

Những ngày tháng 8 năm 1945, Hà Giang không giải phóng được thị xã do chưa có cơ sở quần chúng mạnh và chưa có lực lượng vũ trang, địa phương.

Chưa bao giờ ở Hà Giang, một tỉnh miền núi nhỏ bé lại có nhiều lực lượng vũ trang cả trong nước lẫn ngoài nước tung hoành tự do đến thế: Cuối tháng 9 năm ấy, quân đoàn 52 của Tưởng Giới Thạch do Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng chỉ huy, nhân danh Đồng minh, tiến vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật.

Cùng lúc đó, Hoàng Quốc Chính, Ủy viên Trung ương Việt Nam Quốc dân đảng cũng theo quân đoàn 52 dẫn quân vào Hà Giang tổ chức nắm chính quyền.

Hoàng Quốc Chính xưng là “nhà ái quốc” hải ngoại về “giành độc lập”, “giải phóng dân tộc” và tuyên truyền về “Cương lĩnh cách mạng quốc gia”.

Để lôi kéo quần chúng, Hoàng Quốc Chính cho “dựng cờ Nam tiến”, “lễ tế cờ” và mít tinh. Để lôi kéo thanh niên, Vũ Quang Phẩm, Xứ ủy viên Việt Nam Quốc dân đảng còn lập ra “Thanh niên chiến đấu đội”, mở “Quán thanh niên”, “hội chợ”… Về quân sự, họ có một đội quân khoảng 200 người do Trung tá Bùi Nguyên Phách - Tham mưu trưởng chỉ huy.

Trước thực tế đó, Trung ương giao cho Liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và đồng chí Song Hào - Xứ ủy viên kiêm Bí thư chiến khu Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ đạo việc giải phóng Hà Giang. Đồng thời, Trung ương cũng chỉ đạo ông Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật khóa II, ông Mai Trung Lâm và ông Mã Thành Kính trực tiếp chỉ huy việc giải phóng tỉnh Hà Giang.

Nhân duyên với “vua Mèo” Vương Chí Sình

Vương Chí Sình là một thổ ty có cỡ, đứng đầu dân tộc Mông có ảnh hưởng không chỉ đối với dân tộc mình mà cả đối với các dân tộc ít người khác ở tỉnh Hà Giang.

Vương Chí Sình thừa hưởng uy thế của bố là Vương Chính Đức được thực dân Pháp phong làm bang tá. Họ Vương tuy giữ chức bang tá nhưng có toàn quyền; thực dân Pháp phải nhượng bộ coi Đồng Văn thuộc quyền quản lý của họ Vương.

Thái độ của Vương Chí Sình đối với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh ra sao, ông Mai Trung Lâm chưa rõ. Giữa lúc đó, cuộc gặp bất ngờ trong buổi tối chiêu đãi của đồng bào người Hoa đã tạo điều kiện cho ta tiếp xúc với họ Vương.

Mười giờ đêm hôm đó, tiệc tan. Về nhà được một lúc thì ông Mai Trung Lâm nhận được một mảnh giấy bằng bàn tay, viết bằng chữ Quốc ngữ, do một người lạ mặt cầm đến.

Đoản đao do ông Vương Chí Sình tặng bà Từ Thị Văn năm 1955 (Tư liệu gia đình).
Đoản đao do ông Vương Chí Sình tặng bà Từ Thị Văn năm 1955 (Tư liệu gia đình).

Ông Lâm cầm giấy đọc thì mới biết đó là thư của ông Vương Chí Sình: “Kính gửi ngài đại diện Mai Trung Lâm! Tôi, Vương Chí Sình, con cụ Vương Chính Đức, bang tá Sà Phìn, dân tộc Mèo xin có lời kính dâng lên ngài hạ cố cho chúng tôi được bái kiến và có nhiều việc cần trình bày với ngài.

Tha thiết mong ngài hạ cố cho chúng tôi được gặp.

Vương Chí Sình”.

Ông Mai Trung Lâm vội viết thư trả lời trong tâm trạng mừng vui:

“Kính gửi ông Vương Chí Sình rất thân mến!

Tôi đã hằng mong từ lâu được gặp ông. Nay bất ngờ được gặp nhau và ông có lời quý hóa đến chỗ tôi để được gặp nhau. Nhưng hiện nay hoàn cảnh rất khó khăn, ông biết đấy. Chúng ta gặp nhau ở đâu cho tiện. Ở chỗ tôi, gặp là không tiện. Mong ông cho biết có thể gặp ông ở chỗ nào do ông định.

Kính thư: Mai Trung Lâm”.

Người liên lạc cầm thư đi ngay. Việc tiếp xúc với Vương Chí Sình cần được tiến hành gấp và kín đáo. Cuộc gặp hai vợ chồng Vương, tại nhà riêng xế bên phải đầu cầu Yên Biên, kéo dài gần hai giờ, đã giúp Mai Trung Lâm hiểu rõ tâm trạng và thái độ của Vương Chí Sình. Ông Vương đã biết có Mặt trận Việt Minh hoạt động và có Chính phủ Hồ Chí Minh nên tỏ ý thiết tha mong muốn đi Hà Nội bái yết cụ Hồ Chí Minh.

Ông Mai Trung Lâm bố trí để một cán bộ tin cậy là Hoàng Văn Võ ở lại thị xã với gia đình và làm công tác binh vận. Hai hôm sau, Vương Chí Sình và vợ, cùng hai người bạn gái của bà đi ôtô xuống huyện lỵ Bắc Quang, được hai đồng chí chỉ huy đón tiếp ân cần niềm nở và cử cán bộ đi cùng xuống tỉnh lỵ Tuyên Quang, nhờ một số đồng chí ở đây giúp đỡ đi về Hà Nội.

Trước khi Vương Chí Sình về thủ đô, Mai Trung Lâm đã trực tiếp tiêm thuốc vào bộ bàn đèn sang trọng mượn của cai Sơn, cai khố xanh về hưu đang buôn bán ở phố huyện Bắc Quang. Mai Trung Lâm nằm bên này, Vương Chí Sình nằm bên kia. Ông Lâm rút mùi xoa trắng, lau sạch tẩu, tiêm tiếp điếu thứ hai mời ông Vương.

Hành động nhỏ này khiến Vương Chí Sình tin cậy. Bởi vì tục lệ giao tiếp của những người thuộc tầng lớp trên ở miền núi, thuốc của mình người chủ phải hút trước để chứng tỏ thuốc không có độc. Ông Vương nằm bên cạnh bàn đèn, hai tay đỡ tẩu, nói lời xin lỗi, rồi bắt đầu hút…

Mối nhân duyên giữa ông Mai Trung Lâm và “vua Mèo” Vương Chí Sình còn kéo dài, vắt từ cuối năm 1946 khi người Pháp nhòm ngó trở lại Hà Giang. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Bùi Công Trừng lên Đồng Văn, thay mặt Chính phủ, trao tặng ông Vương thanh đoản đao với dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.

Tinh tường mà kín đáo

Đại tá Mai Trung Lâm (14/1/1914 - 15/4/2000) từng học Trường Quân sự Hoàng Phố (tháng 6-1941), Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu Tự trị Việt Bắc (1959 – 1975). Năm 1976, ông được phong hàm Đại tá và nghỉ hưu năm 1984, hưởng lương cấp Thiếu tướng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Mai Trung Lâm không gắn với những chiến công vang dội, hiển hách để ai ai cũng phải biết đến. Song cứ âm thầm mà kiêu hãnh, ông luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lặng lẽ làm tròn nhiệm vụ của mình.

Theo Kiều Mai Sơn
Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm