1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chỉ số cạnh tranh của Hà Nội thấp là không oan”

(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, vị trí của Hà Nội trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh là không “oan” khi đối chiếu với lợi thế. Ông Thảo cũng thẳng thắn cho rằng, độ nhạy của chính quyền và doanh nghiệp Hà Nội chưa cao.

Trong buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn cho rằng, lãnh đạo các tỉnh khác “thèm” lợi thế của Hà Nội và thực tế, các tỉnh lân cận thường tìm cách tranh thủ ảnh hưởng những lợi thế của Hà Nội để phát triển.

Tuy nhiên, Hà Nội với nhiều khả năng về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, thị trường… nhưng lại chưa phát huy được.

“Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội luôn ở mức thấp, thậm chí thấp hơn cả tỉnh miền núi Yên Bái. Không nói đến vấn đề tiêu chí đánh giá, cách thức đánh giá, vị trí xếp hạng trên cũng không có gì oan, nhất là khi đối chiếu với năng lực, lợi thế của chúng ta”, ông Thảo nhấn mạnh.
 
“Chỉ số cạnh tranh của Hà Nội thấp là không oan” - 1
Hà Nội xếp vị trí 33 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Ảnh: HNM).

Theo Chủ tịch Thành phố, cơ chế của Hà Nội còn chậm đổi mới, trong khi thực tế vẫn còn không ít những phiền hà, sách nhiễu với các doanh nghiệp. “Đây là những thiếu sót, tồn tại, là điểm nghẽn của phát triển”, ông Thảo phân tích.

Ông Thảo cũng cho rằng, vẫn còn sự thiếu năng động, sáng tạo và ỷ lại lợi thế thủ đô của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Qua nhiều năm phát triển, đến nay, Hà Nội còn quá ít các sản phẩm có thương hiệu mạnh, ít các doanh nghiệp lớn…

Chuyển sang vấn đề tăng trưởng GDP, ông Thảo cho rằng, trong thời gian khủng hoảng, các “cơ thể lớn” thường chịu nhiều va đập hơn, nhưng năm 2009 TPHCM vẫn tăng trưởng trên 7%, trong khi Hà Nội tăng trưởng 6,7%. Bên cạnh yếu tố khách quan, ông Thảo thẳng thắn thừa nhận, sự năng động, độ nhạy của chính quyền và doanh nghiệp Hà Nội chưa cao.

Chủ tịch Thành phố cho biết, tới đây thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là những gì liên quan đến môi trường kinh doanh để khắc phục những yếu kém, thúc đẩy phát triển. Thành phố sẽ luôn lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp đối với cơ chế chính sách của thủ đô cũng như cả nước nói chung.

Ông Thảo cũng cho rằng, năm Đại lễ không chỉ là tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, mít tinh mà quan trọng hơn phải phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng những công trình lớn, bền vững. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng đã được xây dựng là 9,5 - 10%, nhưng lãnh đạo thành phố đặt quyết tâm đạt trên 10%.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, trong quý I vừa qua, Hà Nội là địa phương duy nhất có lượng khách quốc tế đến tham quan giảm (Hà Nội giảm 7%, cả nước tăng 36%), trong khi năm 2010 là năm Đại lễ và Hà Nội được chọn cho năm du lịch quốc gia 2010, với rất nhiều sự kiện.

Cấn Cường