Giáo sư sử học Lê Văn Lan:
Chỉ nên dựng bia tại khu vực có đàn Xã tắc
Trong thời điểm mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều từ chối bình luận về giá trị đích thực cũng như phương án bảo tồn hợp lý những vết tích kiến trúc đang được coi là đàn Xã tắc, Giáo sư sử học Lê Văn Lan gần như là người duy nhất chịu tiếp chuyện nhà báo. Ông không né tránh bất cứ một câu hỏi nào xoay quanh chủ đề này.
>> Dự án Kim Liên - Ô Chợ Dừa đi qua di tích tối quan trọng của quốc gia
>> Điều chỉnh quy hoạch để bảo tồn Đàn Xã Tắc
Thưa Giáo sư, hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều về giá trị của những vết tích kiến trúc được phát lộ tại Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), kéo theo đó là những tranh cãi xung quanh phương án bảo tồn. Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử, ông nghiêng về quan điểm nào hơn?
Trước khi tính đến phương án bảo tồn, chúng ta phải giải đáp một câu hỏi: Chỗ đang được gọi là đàn Xã tắc ấy có chính thực là đàn Xã tắc không? Hiện tại, người ta vẫn còn đang tranh cãi. Bên “đào” khẳng định, đấy chính là đàn Xã tắc. Những người khách quan hơn thì phản biện lại bằng những lời lẽ nhẹ có mà nặng cũng có. Tóm lại, hai “phe” đều đưa ra những ý kiến cực đoan.
Cái cần bây giờ là một quan điểm trung gian, có khả năng hòa giải được đôi bên; đồng thời, khiến người dân, các nhà nghiên cứu và sự thực lịch sử chấp nhận được. Vậy thì, ý kiến của tôi thế này. Khu vực khoảng 2 vạn mét vuông xung quanh con đường vành đai 1 chắc chắn có đàn Xã tắc. Đến đứa trẻ con cũng biết điều ấy. Tên địa danh sờ sờ ra đấy - ngõ Xã Đàn. Xã Đàn chính là gọi tắt từ đàn Xã tắc chứ còn gì nữa. Huống gì, bao nhiêu tài liệu, tôi đọc nát ra đây, cũng đều nhận định đấy là đàn Xã tắc.
Nhưng đó mới chỉ là ý kiến A. Tôi còn ý kiến B nữa. Diện tích 900m2 đã đào lên, nó chỉ chiếm chưa đầy 1/20 của cả khu vực rộng 2 vạn mét vuông “chắc chắn có đàn Xã tắc”. Những gì xuất lộ trong tầng văn hóa từ mặt đường xuống sâu đến 2 - 2,5m là rất quý giá. Khảo cổ học, phát hiện được những di vật lẻ tẻ đã là quý rồi. Nhưng vẫn không quý bằng một kiến trúc, vì nó nói được nhiều hơn. Mà đây lại là cái nền của nhiều kiến trúc. Nhưng những cái nền kiến trúc ấy vẫn chưa thông báo được rằng đấy là hình thù, quy mô, kiểu cách, kiến trúc của một cái đàn Xã tắc.
Nếu vậy, chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu theo hướng nào và phải đối xử ra sao với những vết tích kiến trúc đã được phát lộ?
Về phương án bảo tồn, hiện có 3 phe phái. Phe thứ nhất cho rằng không đáng bảo tồn. Phe thứ hai yêu cầu phải bảo tồn, nhưng lại không rõ liệu có khôi phục được đàn Xã tắc hay không. Phe thứ ba đề xuất: Bảo tồn bằng cách xây mới một đàn Xã tắc của thế kỷ 21. Và ở đây, lại cần có một quan điểm dung hòa.
GS Lê Văn Lan: “Không nên để việc phát lộ một di tích khảo cổ học trở thành tác nhân gây mê tín dị đoan”. |
Tôi có 3 ý kiến. Thứ nhất, không thể phục hồi lại đàn Xã tắc vì chúng ta không có cơ sở nào để phục hồi nó.
Thứ hai, không nên xây dựng một đàn Xã tắc của thế kỷ 21 hay thiết lập một đảo giao thông. Làm như vậy vừa lãng phí, vừa phản khoa học. Theo tôi, hãy bảo quản những gì đã được phát lộ trong lòng đất một cách thật cẩn thận, đúng phương pháp khoa học: Làm hồ sơ thật kỹ, bao gồm đo đạc, quay phim, vẽ bản đồ, lấy di vật. Sau đó, bọc di vật lại bằng giấy chuyên dụng rồi lấp cát từng lớp một và tưới nước. Thế hệ sau có điều kiện thuận lợi hơn, sẽ mở rộng phạm vi đào ra, nghiên cứu và kết luận.
Thứ ba, con đường vành đai 1 đã được gọi là “con đường đắt nhất hành tinh” và “dây dưa” nhất trong lịch sử làm đường Việt Nam rồi. Không nên để việc phát lộ một di tích khảo cổ học ảnh hưởng tới giá thành, tiến độ thi công con đường ấy nữa. Và, quan trọng hơn, không được để nó trở thành tác nhân gây mê tín dị đoan. Mà cái không khí mê tín dị đoan ấy đã “xuất lộ” rồi đấy. Dịp Tết vừa rồi, rất đông người đã đổ về đây cúng bái. Tôi thậm chí còn nghe được một người khấn rằng: Lạy thánh mớ bái cho con trúng chứng khoán!
Tuy nhiên, phương án bảo tồn mà ông đưa ra có lẽ hơi sơ sài với những người đã hào hứng đón nhận sự kiện này, bao gồm cả du khách trong và ngoài nước…
Tôi vẫn còn một ý kiến nữa. Tôi rất tán thành phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, đại ý là, việc bảo tồn, tôn tạo di tích này không nhất thiết là cứ phải xây dựng những công trình đồ sộ trên mặt đất, mà có thể chọn hình thức dựng bia, để ghi dấu rằng, khu vực này (chứ không phải điểm này) có đàn Xã tắc.
Theo tôi, trong tấm bia ấy nên có thêm 2 nội dung nữa. Bởi ở đây, ngoài đàn Xã tắc còn hội tụ 2 di tích khác có giá trị và ý nghĩa lịch sử lớn lao, đó là cửa ô Trường Quảng (ô Thịnh Quang), tên dân gian là ô Chợ Dừa, ô Cầu Dừa - cửa ngõ phía Tây ra vào kinh thành Thăng Long và tường của kinh thành Thăng Long mà ta còn gọi là tường thành Đại La.
Một khi đã dựng bia, dĩ nhiên là cần trang nghiêm, thậm chí hoành tráng, nhưng tuyệt đối không phá nút giao thông, không giải tỏa tốn kém, và không cản trở tiến độ thi công đường. Đấy là hình thức bảo tồn, tôn tạo mà theo tôi, là “vừa vặn” nhất, hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại và không gây “tác dụng phụ” nào lên đời sống của người dân.
Theo Hương Lan
Thanh Niên