Bình Định:

Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên

(Dân trí) - Thay vì vượt đèo mất 30 phút, vừa tốn thời gian vừa nguy hiểm, giờ đây người tham giao thông có thể đi qua hầm đường bộ đèo Cù Mông nối 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên chỉ với vẻn vẹn 6 phút.

Chỉ mất 6 phút qua hầm xuyên núi thông 2 tỉnh Bình Định – Phú Yên

Sáng 21/1, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ khánh thành Hầm đường bộ Cù Mông trên Quốc lộ 1 nối Bình Định - Phú Yên.

Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 1
Chính thức thông xe qua hầm đèo Cù Mông sáng 21/1

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ cho rằng việc thông hầm đèo Cù Mông sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai tỉnh Bình Định - Phú Yên với đường đi an toàn.

“Đây là sự kiện quan trọng thúc đẩy giao thương, góp phần phát triển kinh tế hai tỉnh Bình Định - Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng đề nghị nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với cơ quan của Bộ, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại và thường xuyên bảo trì hầm, điều tiết lưu lượng giao thông.

Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 2

Chỉ mất 6 phút đi qua hầm thay vì 30 phút đi trên đèo dốc nguy hiểm như trước đây.

Sau khi đưa vào sử dụng, thay vì mất 30 phút di chuyển trên cung đường đèo đầy nguy hiểm dài hơn 7km, giờ đây người dân chỉ cần đi 6,6 km, trong đó đường dẫn dài 4,2 km, hầm dài 2,6 km với thời gian đi bằng ô tô qua hầm chỉ 6 phút.

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, công trình hoàn thành sau hơn ba năm thi công, vượt tiến độ gần ba tháng và không đội vốn. Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm.

Hầm Cù Mông là dự án đầu tiên trong bốn dự án giao thông trọng điểm toàn quốc hoàn thành trong năm 2019. Ba dự án còn lại là đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cầu Vàm Cống.

Sau khánh thành, hầm Cù Mông sẽ là hầm đường bộ dài thứ ba ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 km) - khánh thành tháng 6/2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 km) - thông xe tháng 7/2017.

Hầm Cù Mông áp dụng phương pháp đào hầm NATM của Áo, được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân có nhiều kinh nghiệm, đã từng đảm nhận xây dựng thành công hầm Đèo Cả, Cổ Mã trước đây.

So với đèo Cả, địa chất ở khu vực thi công hầm đèo Cù Mông phức tạp hơn, với tầng đá bị phong hóa mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, phức tạp về địa hình đã được khắc phục và đảm bảo công trình về đích đúng tiến độ. Đây là hạng mục hoàn toàn do người Việt thực hiện.

Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 3
Bên trong hầm Cù Mông được trang bị hệ thống Camera quan sát các phương tiện lưu thông

Được khởi công từ tháng 9/2015, hầm đường bộ Cù Mông có tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn tiết giảm của dự án Hàm Đèo Cả, theo hình thức BOT do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư.

Hầm gồm 2 ống ngầm cách nhau cách nhau khoảng 30 m. Mỗi ống rộng 10 m, gồm 2 làn ô tô, với vận tốc thiết kế 80 km/h. Ban đầu, nhà đầu tư khai thác ống phía Tây, ống còn lại dùng để lánh nạn.

Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 4
Bên trong hầm Cù Mông được trang bị hệ thống quạt thông gió.
Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 5
Hệ thống thoát hiểm bên trong đường hầm.
Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 6
Hầm Cù Mông áp dụng phương pháp đào hầm NATM của Áo.
Chỉ mất 6 phút để qua hầm xuyên núi nối Bình Định - Phú Yên - 7
Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm.

D.Công - T.Thi