1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chị em song sinh tìm được nhau nhờ làm căn cước: "Giá mẹ tôi còn sống!"

Doãn Công

(Dân trí) - "Do quá khổ cực nên hễ ai nhận tụi tôi về giúp việc nhà là mẹ tôi cho đi. Ngờ đâu... Mẹ đã khóc hết nước mắt. Giá mẹ còn sống lúc này", người nhà 2 chị em song sinh thất lạc nhau 47 năm xúc động kể.

Thất lạc nửa thế kỷ, khắc khoải tìm quê hương, gia đình 

Như Dân trí đã thông tin, qua việc làm căn cước công dân (CCCD), Công an thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phát hiện một phụ nữ ở địa phương là chị em sinh đôi với người ở tỉnh khác. Hai chị em đã thất lạc nhau 47 năm.

Đó là bà Mai Thị Bền (ở xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và bà Đỗ Thị C. (ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phóng viên Dân trí tìm đến nhà bà Bền ở Bình Định để nghe kể thêm về cuộc hội ngộ hy hữu và xúc động này. Tuy nhiên, bà Bền hiện đang ở Vũng Tàu để điều trị bệnh thoái hóa cột sống. 

Trong ngôi nhà cấp 4, ông Trần Đùng (62 tuổi, chồng bà Bền) bộc bạch: "Biết tin này, gia đình tôi rất vui, nhất là vợ tôi, bà ấy mừng lắm. Suốt mấy chục năm bị thất lạc, đến bây giờ, vợ tôi mới biết quê hương mình, gia đình, nguồn gốc mình ở đâu".

Chị em song sinh tìm được nhau nhờ làm căn cước: Giá mẹ tôi còn sống! - 1

Bà Mai Thị Bền và bà Võ Thị C (Ảnh: Thành Long).

Ông Đùng cho hay, theo lời kể trước đây của cha mẹ nuôi của vợ ông (ông Mai Kiến và bà Nguyễn Thị Mực, hiện đã qua đời - PV), lúc nhỏ, bà B đã đi giúp việc nhà và trông con cho gia đình một người sĩ quan ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Sau này, gia đình người sĩ quan chuyển ra Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), bà B tiếp tục đi theo, trông con cho họ.

Khoảng năm 1971, do chiến tranh, gia đình này gặp biến cố, bà B phải rời nhà người sĩ quan. Quá trình tìm về nhà của cô bé mới 8-9 tuổi khi đó, B bị lạc ở Hoài Nhơn, Bình Định.

"Lúc đó, mẹ nuôi hỏi tên tuổi, quê quán ở đâu, vợ tôi đều không biết, chỉ nói tên B, nói giọng Phú Yên (đọc chữ "B" là "bơ") nên bà không hiểu. Sau khi nhận B. làm con nuôi, cha mẹ nuôi đặt tên vợ tôi là Bền, cái tên được dùng đến bây giờ", ông Đùng kể lại.

Chị em song sinh tìm được nhau nhờ làm căn cước: Giá mẹ tôi còn sống! - 2

Nhiều người dân đến nhà ông Đùng, bà Bền chia vui với gia đình.

Ở với cha mẹ nuôi đến năm 1981, bà Bền lập gia đình với ông Đùng, sinh được 5 người con, hiện đều đã trưởng thành.

"Khi lấy nhau về, vợ chồng tỉ tê, vợ tôi mới nói về nguyện vọng tìm lại được quê hương, cha mẹ, anh chị em ruột thịt nhưng bà ấy lại không nhớ gì cả. Vợ tôi chỉ nhớ nhà ở gần bến xe ngựa, sau nhà có đường ray xe lửa, lúc nhỏ, chị em thường băng qua đường tàu hái trái cây rừng ăn...", ông Đùng nói thêm.

"Mấy chục năm, mẹ đã khóc hết nước mắt"

Những ngày qua, ngôi nhà bà Đỗ Thị C (62 tuổi) tại thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên cũng rất đông người thân, hàng xóm đến chia vui sau khi biết tin bà đã tìm được người em gái sinh đôi Mai Thị Bền (bà B) lưu lạc suốt nửa thế kỷ qua.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà C bộc bạch: "Biết được tin, mấy chị em tôi vui lắm, khóc miết. Tôi mong ngóng gặp lại em nhưng giờ dì B đang đi chữa bệnh ở xa, chưa thể về ngay được".

Còn bà Đỗ Thị Xâu (68 tuổi, chị gái cả của bà B và bà C) kể, gia đình bà có 5 chị em, gốc ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cha bà mất trong chiến tranh vì bệnh nặng, người mẹ khốn đốn một mình nuôi 5 đứa con thơ.

"Do quá khổ cực, nên hễ ai nhận tụi tôi về ở giúp việc nhà, ẵm em là mẹ tôi cho đi, để người ta nuôi ăn, mẹ tôi đỡ gánh nặng một mình nuôi 5 con thơ. Ngờ đâu, B đi giúp việc cho nhà người ta rồi thất lạc đến tận bây giờ. Mấy chục năm, mẹ tôi khóc hết nước mắt, bà cố gắng sống chờ đến lúc tìm được B nhưng không thể chờ được. Giá mẹ tôi còn sống, bà sẽ mãn nguyện lắm. Giờ chị em chúng tôi đang mong chờ, đếm ngày gặp nhau", bà Xâu xúc động nghẹn lời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm