1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chỉ có thể cứu một trong hai bé dính nhau

Do các nội tạng quan trọng không có đủ cho cả hai cơ thể nên các bác sĩ không thể làm phẫu thuật tách rời để cứu cả hai em bé song sinh liền thân ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Vì vậy, chỉ em bé khỏe hơn có cơ hội được sống.

Cặp song sinh dính nhau kỳ lạ nhất Việt Nam từ trước đến nay (theo nhận định của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương) đang được theo dõi tại phòng Hồi sức ngoại, một nơi có môi trường vô trùng tốt nhất vốn chỉ dành cho bệnh nhân sau mổ. Cả hai bé gái được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch và phải thở máy, các chỉ số sinh học đang ổn định.

 

Hiện chưa phát hiện hết cơ thể hai bé có bộ phận nào riêng, bộ phận nào chung. Vì vậy, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục thăm dò, chẩn đoán để có thể xác định phương pháp điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện, các cháu phải đối mặt với nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, suy hô hấp (vì chỉ có 3 lá phổi, phổi của một cháu lại bị nội tạng khác chèn ép do thoát vị cơ hoành), thiểu năng tuần hoàn (bởi một trái tim phải bơm máu nuôi hai người).

 

Bác sĩ Lộc cũng khẳng định, sẽ không thể cứu cả hai đứa bé. Với các cặp song sinh dính nhau thông thường, bác sĩ sẽ phẫu thuật tách rời. Nhưng trường hợp này chỉ có một trái tim, nhiều bộ phận quan trọng khác cũng không đủ cho cả hai cơ thể. Do đó, các bác sĩ sẽ phải chọn cứu một em bé khỏe hơn, các cơ quan hoàn thiện và có nhiều khả năng sống hơn, em bé còn lại sẽ phải chịu hy sinh.

 

Thời điểm mổ đang được các bác sĩ cân nhắc. Theo bác sĩ Lộc, nếu sức khỏe của các cháu vẫn ổn, khi tháo các máy móc hỗ trợ ra vẫn bình thường thì sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng cho đến khi cơ thể khỏe hơn, khả năng chịu đựng ca đại phẫu cao hơn (các ca mổ tách song sinh trước đây tuy không phức tạp bằng nhưng đều được tiến hành khi trẻ đã 7-10 tháng tuổi). Nhưng nếu một trong hai bé lâm vào tình trạng nguy kịch, khó qua khỏi thì ca mổ phải được tiến hành sớm, vì nếu một hài nhi qua đời mà không được tách ra, em bé kia cũng khó sống được.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, ca mổ sẽ rất phức tạp bởi các bộ phận chung nhau quá nhiều, các xương sườn cũng đan xen vào nhau. Các cháu lại còn quá bé (mới 2 ngày tuổi) nên nguy cơ tử vong cả hai là rất lớn. Do đó, các bác sĩ đang tính toán để tìm phương án phẫu thuật tối ưu.

 

Bà Đoàn Thị Ấn, bà nội cặp song sinh, cho biết, bố mẹ các cháu đều khỏe mạnh. Người mẹ khi mang thai không bị nghén hay mệt mỏi gì. Trong thai kỳ, người mẹ đi siêu âm 3 lần ở địa phương, trong đó một lần siêu 3 chiều, nhưng bác sĩ chỉ cho biết là song thai chứ không phát hiện biểu hiện bất thường nào.  

 

Trước đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã mổ tách thành công hai cặp song sinh dính nhau là Nghĩa - Đàn và Cúc - An. Tuy nhiên, sau ca mổ của hai cháu Nghĩa và Đàn năm 2002, một trong hai bệnh nhi đã không qua khỏi.

 

Theo Hải Hà

VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm