"Chỉ có tăng trưởng cao liên tục mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Thủ tướng, không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên.

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất, tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.

Chỉ có tăng trưởng cao liên tục mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ thế giới, lãnh đạo Chính phủ cho rằng các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011; Singapore tăng 8,5%/năm giai đoạn 1961-1997.

Trong khi đó, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức 7% mỗi năm, theo Thủ tướng, rất khó đạt mục tiêu nên trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc, bứt phá.

Chỉ có tăng trưởng cao liên tục mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình - 2

Các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao", Thủ tướng nói thêm, muốn cả nước tăng trưởng trên 8%, tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên.

"Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm; phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó", Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa.

Từ phía địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ phấn đấu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.

Hà Nội cũng sẽ cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện.

Chỉ có tăng trưởng cao liên tục mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp để thực hiện chủ trương đưa thành phố phát triển 2 con số. Trước mắt, theo ông Được, là đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các dự án tồn đọng và có vướng mắc.

Thành phố cũng sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm.

Thời gian tới, địa phương này cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.

Thành phố Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.

Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.