“Chỉ 8% rau Hà Nội tự sản xuất đảm bảo … an toàn”
(Dân trí) - Sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, dùng phân tươi tuới rau, thu phí trông giữ xe cao hơn qui định, chậm thu hồi đất sử dụng sai mục đích, lãng phí… là những vấn đề “nóng bỏng” nhất trong phiên chất vấn tại HĐND Tp Hà Nội sáng 18/4.
“Sử dụng phân tươi tưới rau là có thật”
Liên quan đến câu hỏi chất vấn về quản lí trông giữ xe, PCT Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong quí I, thành phố đã phát hiện 101 điểm trông xe không phép, phạt 54,7 triệu đồng. Ông Khôi cũng nêu lên hàng loạt các nguyên nhân của sai phạm về trông giữ xe trong thời gian qua.
Không hài lòng với những gì PCT thành phố nêu ra, đại biểu Vũ Mạnh Hải nêu câu hỏi, giá trông giữ xe, đặc biệt là ô tô rất tùy tiện, có nơi thu 10 ngàn, có nơi 20 ngàn, 30 ngàn, thành phố có giải pháp gì để giải quyết vấn đề? Ông Khôi cho biết, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các quận huyện xử lí những điểm trông giữ xe vi phạm về mức phí.
Đại biểu Nguyễn Văn Nam tiếp tục nêu vấn đề báo chí đã phản ảnh: các điểm trông giữ không niêm yết giá, thu cao hơn qui định, không sử dụng vé do cơ quan có thẩm quyền ban hành. “Tôi có cảm tưởng khó chấn chỉnh được tồn tại kéo dài này”, ông Nam bức xúc.
Đáp lại, ông Khôi cho biết, trong tháng 3 thành phố đã thành lập tổ thanh tra kết hợp với các quận huyện tiến hành kiểm tra tại các điểm trông giữ xe và dự kiến sẽ có tổng kết vào cuối tháng 4.
“Tôi không hỏi việc thành lập tổ thanh tra, tôi hỏi có kiểm tra thông tin báo chí nêu hay không và bao giờ chấm dứt được tình trạng?”, đại biểu Nam tỏ ra gay gắt. Nhưng câu trả lời của ông Khôi vẫn chỉ là thành phố có biết và đã thành lập đoàn kiểm tra để tiếp tục khắc phục.
Sau khi ông Khanh trình bày các giải pháp để đảm bảo có rau an toàn, đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, các biện pháp thành phố đưa ra mới chỉ tập trung vào chống, còn trong việc ngăn chặn chưa có sự kết hợp với các địa phương.
Ông Khanh đáp lại, thành phố đã hoàn thành đề án sản xuất, sơ chế rau an toàn mang tính khoa học. Nếu đề án được HĐND thông qua vào kì họp sau sẽ trả lời được câu hỏi của đại biểu Hưng. Ông Khanh cũng “mở rộng”, hiện nay Hà Nội mới chỉ sản xuất được 40% nhu cầu rau, phải nhập thêm từ Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… và cả từ Trung Quốc. Trong số rau Hà Nội tự sản xuất được chỉ có 8% an toàn và số này theo ông Khanh là đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Với rau từ nơi khác nhập vào Hà Nội, về cơ bản không đáp ứng được.
“Tôi được biết, nhiều nơi người trồng rau vẫn dùng phân tươi để tưới rau, thành phố có giải pháp gì để kiểm soát vấn đề này”, đại biểu Đào Xuân Dương bám tiếp vấn đề. Phó Chủ tịch thành phố xác nhận việc sử dụng phân tươi tại các vùng rau không đăng kí an toàn là có thật.
Ông đưa ra con số “minh họa”: năm 2007 phát hiện 243 trường hợp, quí I/2008 phát hiện hơn 30 trường hợp. Ông Khanh hứa, thành phố sẽ lưu ý chỉ đạo quyết liệt để khắc phục vấn đề này.
“Trả học phí không đúng chỗ”
Liên quan đến vấn đề chậm thu hồi đất sử dụng, đất sử dụng sai mục đích, lãng phí, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, việc chậm thực hiện 17 quyết định thu hồi đất có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Cụ thể, hợp tác của các đơn vị tổ chức bị thu hồi đất với chính quyền chưa tốt, thậm chí có đơn vị còn khiếu nại tố cáo… Điều này tạo ra sự trì hoãn lúc thanh tra, mang tới cơ hội để một số trường hợp lợi dụng đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.
“Trong nguyên nhân có nói đến việc không hợp tác, vậy chúng ta có xử lí hành chính hay khởi tố để đảm bảo thực hiện không?”, đại biểu Đỗ Xuân Mùi nêu câu hỏi.
Ông Khanh cho biết, với trường hợp không hợp tác, chống đối vi phạm pháp luật thì có thể xử lí ngay. Tuy nhiên, các đơn vị này thường hay khiếu nại, phát đơn lên cấp trên và “nói như người thu hồi đất vi phạm pháp luật”. Thậm chí, thành phố đang giải quyết, có đơn vị khiếu nại ra toà hoặc có khi cơ quan bên trên chỉ thị dừng thu hồi để báo cáo sự việc… nên ảnh hưởng đến tiến độ.
“Có thực hiện khởi tố không thì phải thực hiện theo đúng qui định của luật, nhưng chưa có đơn vị nào vi phạm đến mức phải xử lí hình sự”, ông Khanh lí giải.
Đại biểu Phạm Xuân Hằng nhắc lại lời của ông Khanh cho rằng, chúng ta phải có một nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng đất sai mục đích và nêu vấn đề: “ Đất đã để hoang hóa giờ lại dùng ngân sách nhà nước như thế là trả học phí không đúng chỗ”. Để xảy ra tình trạng trên theo ông Hằng là do không nắm được tính khả thi của dự án và đầu tư dàn trải, từ đó ông đặt ra câu hỏi về buông lỏng quản lí, cấp nào phải chịu trách nhiệm?
Đáp lại câu hỏi về kinh phí giải phóng mặt bằng, ông Khanh lí giải, sau khi thu hồi đất, nếu cho đơn vị khác vào thì có cơ chế để họ tự giải phóng mặt bằng, nhưng nếu thay bằng các dự án dùng ngân sách nhà nước thì phải là đất sạch, nên cần kinh phí để làm. Về vấn đề trách nhiệm trong buông lỏng quản lí, ông Khanh cho biết sẽ tiếp thu. “Chúng tôi có danh sách các dự án nên sau này có thể xác định trách nhiệm của các địa phương và có thể xem xét trong thi đua khen thưởng”, ông Khanh chốt lại vấn đề.
Cấn Cường