1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ 6 đô thị tại Việt Nam có trạm xử lý nước thải tập trung

(Dân trí) - Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Quản lý và Xử lý nước thải phi tập trung tại các đô thị ở Việt Nam do Bộ Xây Dựng phối hợp với GTZ tổ chức tại Hà Nội ngày 8/12.

Nhiều bất cập trong xử lý nước thải 
 
Phát biểu tại hội thảo Quản lý và Xử lý nước thải phi tập trung tại các đô thị ở Việt Nam được Bộ Xây Dựng phối hợp với GTZ tổ chức tại Hà Nội ngày 8/12, ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục Trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho biết, hiện chỉ có 6 đô thị tại Việt Nam có trạm xử lý nước thải tập trung với 14 trạm. Nhiều đô thị lớn như Quy Nhơn, Nha Trang vẫn chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường.
 
Chỉ 6 đô thị tại Việt Nam có trạm xử lý nước thải tập trung - 1
Hội thảo Quản lý và Xử lý nước thải phi tập trung tại các đô thị ở Việt Nam

Bên canh đó, tỷ lệ hộ gia đình đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp. Nhiều tuyến cống không đủ tiết diện thoát nước, việc bê tông hóa kênh, mương góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tiêu thoát nước.

Đến cuối năm 2009, chỉ có 74 trong tổng số 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động ở Việt Nam có công trình xử lý nước thải, 22 khu công nghiệp đang xây dựng và 75 trong số này chưa có công trình xử lý nước thải.

Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do tác động của quá trình đô thị hóa làm gia tăng diện tích đất xây dựng trong đô thị, giảm diện tích ao, hồ, sông và gia tăng bề mặt không thấm nước (bê tông hóa). Hệ thống thoát nước xuống cấp, các dự án triển khai quá chậm; thiếu vốn đầu tư và ý thức của cộng đồng dân cư còn hạn chế… cũng ảnh hưởng tới hoạt động xử lý nước thải tại Việt Nam.

Tổng lượng nước thải trên địa bàn Hà Nội hiện nay khoảng 670.000 m3/ngày đêm, trong đó nước thải sinh hoạt, dịch vụ ở khu vực thành thị chiếm tới 400.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải còn rất hạn chế, mới chỉ có gần 47.000 m3 được xử lý chiếm khoảng 7% tổng lượng nước thải phát sinh hàng ngày.

Xử lý nước thải tập trung và phi tập trung

Xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) là một hệ thống thu gom nước thải trong phạm vi rộng và phức hợp bao phủ toàn bộ thành phố để vận chuyển nước thải từ tất cả những hộ xả thải đấu nối vào hệ thống tới một hoặc nhiều trạm xử lý nước thải quy mô lớn thường được đặt ở các vùng ngoại ô của thành phố. Các công trình XLNTTT có công nghệ cao để XLNT đạt tiêu chuẩn cao nhất trước khi xả ra vùng tiếp cận, tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống này rất cao, việc thi công rất khó khăn và đòi hỏi độ chính xác cao mà các nhà thầu Việt Nam không thể đáp ứng được.

Xử lý nước thải phi tập trung (XLNTPTT) là khái niệm về việc cung cấp các giải pháp vệ sinh môi trường trong những khu vực chưa được đấu nối hoặc không cho phép đấu nối với nhà máy xử lý nước thải tập trung (do các nguyên nhân về kỹ thuật, tài chính hoặc pháp lý) và cho các khu vực nơi nước thải được xử lý gần ngay tại nơi xả thải.

Các dự án XLNTPTT có thể mang lại kết quả nhanh chóng và thỏa đáng với thời gian thực hiện trung bình là dưới 1 năm. XLNTPTT, với các dự án quy mô nhỏ và chi phí thấp, có thể là một giải pháp hữu hiệu cho xử lý nước thải ở Việt Nam trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.

Mặc dù phương pháp XLNTPTT còn mới ở Việt Nam, nhưng đã có một số dự án có liên quan trong lĩnh vực này rất đáng xem xét như trạm XLNT cho trường THCS và trường mẫu giáo tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An; trạm XLNT cho chợ Cái Khế ở Cần Thơ; trạm XLNT ở Bệnh Viện Nhi ThanhHóa.

Cả hai phương pháp này đều có ưu, nhược điểm và sẽ trở nên hiệu quả nhất khi được kết hợp với nhau, tùy thuộc vào địa hình, và điều kiện kinh tế xã hội, chính sách đầu tư của mỗi địa phương.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đầu tư trên 2 tỷ USD cho lĩnh vực vệ sinh và xử lý nước thải (chưa kể đóng góp từ các hộ gia đình), nhưng có tới 80% trong tổng số này là ODA. Theo đánh giá, nhu cầu đầu tư cho các dự án vệ sinh môi trường trong thập kỷ tới sẽ rất lớn. Việt Nam cần khoảng 16 tỷ USD đầu tư cho vệ sinh đô thị và nông thôn.

Nam Hằng