TPHCM:

Chi 250 tỷ đồng giải phóng mặt bằng xây cầu Bình Lợi mới

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, thống nhất phương án xây dựng cầu Bình Lợi mới dạng dàn thép. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, TP sẽ đảm nhận toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 250 tỷ đồng.

Hiện trường vụ sà lan mắc kẹt dưới chân cầu đường sắt Bình Lợi cuối năm 2013
Hiện trường vụ sà lan mắc kẹt dưới chân cầu đường sắt Bình Lợi cuối năm 2013

Theo đó, UBND TP thống nhất vị trí xây cầu đường sắt Bình Lợi mới cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu như đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Về kiến trúc cầu, TP thống nhất phương án xây dựng cầu mới dưới dạng cầu thép với biên cong (phương án II – A1 trong hồ sơ dự án).

Về phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng, đối với đoạn tuyến dự án từ đường Nơ Trang Long đến hẻm 374 đường Nguyễn Xí, ngoài ranh bồi thường giải phóng mặt bằng tính từ mép ngoài kết cấu cầu đường sắt Bình Lợi ra mỗi bên 3m, UBND TP đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung toàn bộ khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng tính từ đường ống cấp nước phi 1.500 đến đường sắt hiện hữu để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực. Ngân sách TP sẽ đảm nhận toàn bộ vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, khoảng 250 tỷ đồng.

TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chủ đầu tư khảo sát, cập nhật toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu (điện lực, cấp thoát nước, thông tin liên lạc…) trong phạm vi dự án và phương án xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GTVT TP xem xét thống nhất việc tổ chức thực hiện phương án lưu thông và an toàn giao thông; bàn giao ranh mốc giải phóng mặt bằng cho UBND quận Bình Thạnh, Thủ Đức để tiến hành các công việc liên quan.

Cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng từ năm 1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường ray xe lửu nối Sài Gòn và Biên Hòa. Ngày nay, cầu đường sắt Bình Lợi lưu thông chính cho tuyến đường sắt Bắc - Nam và một đường phụ lưu thông xe 2 bánh, 2 chiều.

Trải qua hơn 110 năm khai thác, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập. Bởi ngoài việc chịu áp lực lớn của phương tiện lưu thông bên trên, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu thấp nên xảy ra nhiều va chạm giữa các tàu thuyền khi lưu thông qua cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đường sắt. Ngoài ra, tĩnh không thuyền thấp làm hạn chế nhiều đến năng lực vận tải đường thủy qua khu vực này và không đáp ứng được nhu cầu này trong tương lai.

Quốc Anh