Chi 1.400 tỷ mua xe chống ngập: "Không thực tế, thiếu khả thi"
(Dân trí) - Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, việc chống ngập của thành phố đã sai lầm về chiến lược, bây giờ lại đề xuất chi số tiền quá lớn để mua xe bơm nước chống ngập thì khác nào như... cắt ngọn cây. Ông cho rằng: "Cắt ngọn này thì lại ra ngọn khác”.
Khi mưa kết hợp triều cường thì bơm nước đi đâu?
Liên quan đến đề xuất chi 1.400 tỷ đồng mua 63 xe bơm di động để chống ngập của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng đây phương án quá tốn kém, lại thiếu thực tế và không có tính khả thi.
Theo TS Phạm Sanh, ở các nước người ta sử dụng bơm di động chủ yếu để bơm nước thông cống hoặc xả nước thông cống là chính. Dùng bơm không phải là giải pháp giảm, chống ngập. Bài toán giảm ngập là bài toán thoát nước đô thị. Và thoát nước đô thị thì người ta dùng cống tự chảy, hệ thống kênh, rạch… chứ không ai dùng bơm.
“Người ta cũng dùng bơm để thoát nước khi mưa lớn gây ngập nặng ở khu vực mà hệ thống cống quá tải hoặc vùng rốn lũ khi vỡ đê… Và chủ yếu là dùng bơm cố định. Trước đây thành phố đã xài bơm cố định rồi. Nhưng bất lợi là mưa nhỏ thì không đủ nước để bơm hoạt động hết công suất, còn mưa lớn thì bơm không nổi. Bơm nước ra kênh, rạch thì nước lại trào ngược lại và gây ngập”, ông Sanh nói.
Ông Sanh phân tích, xe bơm di động hay trạm bơm cố định cùng có nguyên tắc hoạt động cơ bản giống nhau là phải có hồ thu. Lượng nước ngập không đủ cho bơm hoạt động thì cũng dẫn đến hỏng máy. Đến nay thành phố vẫn chưa tổng kết được thất bại của trạm bơm cố định. Vậy mà đã vội vàng đề xuất chi 1.400 tỷ đồng để mua 63 xe chống ngập.
Theo ông Sanh, máy bơm sẽ hỗ trợ trong một số tình huống, địa hình nào đó như nghẽn cống gây ngập… nhưng phải tính toán cụ thể. “Chúng ta phải tính toán được rằng hệ thống cống đã đáp ứng thoát nước bao nhiêu, ở khu vực nào? Địa hình ra làm sao? Chỗ nào cần bơm? Không phải có bao nhiêu con đường bị ngập là phải dùng bấy nhiêu bơm. Theo cách tôi hiểu thì Trung tâm chống ngập muốn dùng bơm thay cống”, ông Sanh nói.
“Dùng bơm không có ý nghĩa trong chống ngập đô thị và không có căn cứ khoa học. Đây là bài toán đi lạc điệu. Giải pháp này làm người ta tưởng rằng cống không chảy được, kênh không còn… Và thực tế thành phố hiện nay là khi mưa kết hợp triều cường thì người ta không biết bơm nước đi đâu?”, ông Sanh đặt vấn đề.
"Quá tốn kém mà không hiệu quả"
Theo TS Phạm Sanh, giải pháp dùng bơm chống ngập là không thực tế và không có tính khả thi cả về cơ sở khoa học lẫn hiệu quả kinh tế.
“Khi nào thành phố xây dựng hoàn thiện hệ thống cống ngăn triều thì sử dụng bơm mới có hiệu quả. Khi mưa lớn, thành phố bị ngập thì cần bơm hỗ trợ và chỉ cần 1 – 2 bơm là đủ. Còn như đề xuất là tính toán cho cả mạng lưới, lấy hàng chục máy bơm để đẩy nước ra sông. Giải pháp này sẽ phá sản. Đó là chưa nói tiêu tốn số tiền lớn cho máy móc, con người để duy trì hoạt động”, ông Sanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng, khi thành phố có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh rồi thì tùy theo hoàn cảnh thực tế mà cần bổ sung phương án dự phòng. Chẳng hạn khi rơi vào tình thế ngập cục bộ thì chúng ta cần có bơm để hỗ trợ thoát nước cho hệ thống cống. Xe bơm di động lúc ấy mới cần thiết.
Theo ông, việc chống ngập tại thành phố cần mang tính chiến lược và căn cơ. Nên hạn chế các giải pháp chắp vá, tình thế và cần tính toán kỹ để giảm bớt chi phí. Việc chi ra số tiền lên tới 1.400 tỷ đồng để mua 63 xe chống ngập là quá tốn kém mà không mang lại hiệu quả.
“Có xe thì phải thêm đội ngũ nhân công, chi phí vận hành, bảo trì… Trong khi thời điểm mưa lớn để huy động bơm thì cũng không nhiều. Mà không phải chỗ nào cũng có kênh, rạch bơm nước ra. Với tình hình thành phố hiện nay khi mưa lớn kết hợp triều cường thì nước sẽ đi đâu hay là bơm chỗ này rồi ngập chỗ kia? Mọi thứ rất phức tạp. Bơm chỉ giải quyết được điểm ngập cục bộ chứ ngập sâu và trên diện rộng thì không có ích gì”, ông Bá nói.
“Việc chống ngập của thành phố đã sai lầm về chiến lược. Bây giờ làm như thế này khác nào như cắt ngọn cây. Cắt ngọn này thì ra ngọn khác. Số tiền mua bơm nên để dành đầu tư thêm hệ thống cống hoặc xây hồ điều tiết”, ông Bá nêu ý kiến.
Quốc Anh