Chết vì không tôn trọng mạng sống của mình
Cái chết thương tâm của người đi xe máy trên đường cao tốc đô thị đầu tiên gióng lên tiếng chuông báo động với những người đã cố tình coi thường mạng sống của mình khi tham gia giao thông.
Không chết mới… lạ
Đã đi vào đường cấm lại còn đi ngược chiều (ảnh chụp trên đường cao tốc đô thị - đoạn Nguyễn Xiển). Ảnh: Tân Trường
Nạn nhân nam khoảng 30 tuổi, điều khiển xe máy trên đường cao tốc đô thị trên cao vừa mới thông tuyến được hơn 10 tiếng đồng hồ (cắt băng khánh thành sáng 21/10). Cú đối đầu giữa xe máy và xe ôtô đã khiến nạn nhân bị hất tung lên cao, bay qua thành cầu và rơi xuống đường bộ làn dưới.
Khi đường cao tốc đô thị chưa thông tuyến, theo ghi nhận của phóng viên, đã xuất hiện khá nhiều xe máy chạy trên con đường hiện đại này. Khi con đường chính thức đi vào hoạt động, bộc lộ bức tranh thu nhỏ của tình trạng giao thông vốn đã nổi tiếng xộn lộn ở thủ đô.
Mặc dù trên đường dẫn lên đường cao tốc đô thị đều có biển chỉ dành cho xe ôtô lưu thông, nhưng khi vắng bóng công an là người dân cứ thế phóng xe máy “leo lên” để được đi trên con đường thông thoáng, phóng thả ga mà không lo có ngã ba, ngã tư cắt ngang.
Sau khi báo chí đưa tin vụ tai nạn gây chết người điều khiển xe máy ở đường cao tốc đô thị mà người dân vẫn không thấy sợ. Xe máy, xe ôtô cứ thế lao vun vút, thậm chí vẫn có người đi ngược chiều vì lý do đơn giản là… tiện đường.
Khi được hỏi vì sao có biển cấm xe máy mà vẫn đi vào đường cao tốc đô thị, ông Nguyễn Văn Nguyên (trú tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay rằng ông không để ý đến việc có biển báo, thấy đường mới mà vẫn có người đi xe máy nên hai chú cháu ông đi thử để biết đường cao tốc đô thị trên cao khác đường dưới đất như thế nào. Ông Nguyên cho hay: “Đi thích hơn đường bộ phía dưới vì không bụi”.
Khi nghe phóng viên kể lại cái chết thương tâm của nam thanh niên mới gặp tai nạn trên tuyến đường này, ông Nguyên bày tỏ rằng người dân mình tham gia giao thông vẫn theo thói quen “đường ta - ta cứ đi” mà không hề quan tâm đến biển báo, quy định. Chúng tôi hỏi ông Nguyên vì sao khi sang đường lại không dùng đèn xinhan, ông bảo không quen và chỉ cần ngoảnh cổ là sang được đường.
Luật có, xử khó
Sau cái chết của nam thanh niên trong vụ tai nạn trên, nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng bày tỏ quan điểm, đã đến lúc cơ quan chức năng không thể nương nhẹ với những người cố tình vi phạm giao thông - đồng nghĩa với việc họ đã không tôn trọng mạng sống của chính mình.
Xe máy và ôtô "đua" trên đường cao tốc đô thị (đường vành đai 3 Hà Nội - đoạn Nguyễn Xiển). Ảnh: Tân Trường
Bấy lâu nay, khi xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, dù là lỗi hoàn toàn thuộc “xe nhỏ”, nhưng vì có người chết nên “tội” đầu vẫn thuộc về “xe lớn”.
Anh Nguyễn Tấn Hùng (Hà Nội) vẫn bị ám ảnh về một cái chết do va chạm giữa xe máy và ôtô do anh điều khiển trước đây. Anh kể, khi đang điều khiển xe ôtô trên đường cao tốc Pháp Vân, bỗng nhiên thấy một chiếc xe máy từ đường nhánh lao cắt trước mũi xe. Cho dù đã đạp phanh gấp, nhưng tai nạn vẫn xảy ra và người điều khiển xe máy đã thiệt mạng. Dù không phải lỗi của mình, nhưng để thoát “án” là cả một thời gian dài, không biết bao lần phải đi lại cơ quan công an, xe thì bị tạm giữ, chưa kể đến chuyện phải thăm hỏi, chia sẻ với gia đình người bị nạn. Gia đình hiểu biết lỗi thuộc con mình thì còn đỡ, đằng này còn gây khó khăn, khiến anh “sống dở chết dở”, lại luôn bị ám ảnh về một mạng người đã mất.
Ở nước ngoài họ phân xử đúng - sai rất rõ, người đi bộ không đúng làn đường bị chết vì tai nạn giao thông, thậm chí gia đình người đó còn phải bồi thường thiệt hại cho người đi đúng làn đường đã không may đâm phải. Còn ở nước ta thì luật cũng đã có quy định (Điều 220 Bộ luật Hình sự), nhưng xem ra việc xử lý đối với người đi bộ, đi xe đạp, xe máy ngược chiều bị tai nạn thì… vẫn là câu chuyện khó.
Xin trở lại hai phiên tòa được xét xử vào năm 2009, phải nói rằng những phiên tòa như vậy rất hiếm gặp ở nước ta. TAND huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã tuyên phạt một nữ sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên 9 tháng tù giam và 18 tháng thử thách vì tội đi bộ, trèo qua hàng rào phân cách sang đường khiến một người điều khiển xe gắn máy đi đúng chiều đường không kịp xử lý, đã đâm vào lề đường và bị tử vong.
Còn vụ án Nguyễn Văn Toàn (tội gây cản trở giao thông) mà TAND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) xử 4 tháng tù thì gây tranh cãi ngay chính trong các cơ quan thực thi pháp luật. Nguyễn Văn Toàn nhận san lấp mặt bằng, xe ôtô chở đất san lấp đã để đất rơi vãi trên đường tránh đèo Hải Vân. Do lượng đất rơi nhiều, lại gặp mưa nên gây trơn trượt cho nhiều xe ôtô. Một xe khách đi qua do đường trơn nên xe bị lật làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Vụ này đã gây ra “tranh qua, cãi lại” giữa viện kiểm sát và tòa án. Tòa kết luận Nguyễn Văn Toàn có tội, trong khi viện kiểm sát thì nói chưa đủ bằng chứng để kết tội Toàn vì có nhiều lái xe chở đất gây rơi vãi, còn Toàn chỉ là chủ thầu. Người lái xe khách bị lật gây thương vong thì bị khởi tố, dù rằng xe lật là do đất gây trơn trượt, nhưng xe do anh điều khiển có người chết thì… cứ phải chịu tội trước đã.
Vì sao tai nạn giao thông ở nước ta không hề giảm, bình quân mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì “giao thông”, nguyên nhân thì có nhiều: Ý thức người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng, phương tiện kém chất lượng…; điệp khúc “nguyên nhân” lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.
Cách đây tròn 1 năm, anh Byun Hee Bong (một sinh viên người Hàn Quốc, sau 3 năm học ở Hà Nội) đã gửi đến tòa soạn Báo Lao Động bức thư “cảm nhận” về giao thông ở Hà Nội. Anh thú nhận một điều: “Tôi chấp hành luật khi tham gia giao thông thì bị chửi là điên nặng”. Trong khi nhiều người Việt ta cho rằng chuyện “xộn lộn” của giao thông là chuyện thường ngày trên đường. Vì vậy, cái sự đi đứng, tham gia giao thông tùy tiện như dân ta không chết mới là… chuyện lạ.
Theo Linh Trần
Lao động