Chênh vênh... theo luật
Nhập rồi tách, tách rồi nhập. Không phải là câu chuyện cây tre trăm đốt ngày xưa mà là câu chuyện quản lý ngày nay, đặc biệt là chuyện nhà đất.
Luật đất đai 2003 (có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2004) so với Luật nhà ở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2006) có nhiều cái "vênh". Luật đất đai thiết kế: giấy chứng nhận chủ quyền chỉ là một (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sổ đỏ), cấp cho đất. Còn vật kiến trúc trên đất thì được "xử lý" bằng Luật đăng ký bất động sản.
Trong khi chờ Luật đăng ký bất động sản (lẽ ra phải được ban hành cùng lúc với Luật đất đai), để đơn giản hóa thủ tục, Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị xác nhận luôn tài sản trên đất trên sổ đỏ và đổi tên thành "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".
Nhưng Luật đăng ký bất động sản chưa kịp ra đời để giải tỏa cái “không thống nhất” kia thì Luật nhà ở xuất hiện, qui định phần nhà sẽ có một giấy riêng, thậm chí người thuê nhà cũng được cấp giấy.
Trước đây, ở TPHCM nhà và đất đều do một cơ quan quản lý là Sở Nhà đất (được nhập từ hai cơ quan quản lý nhà riêng, đất riêng). Sau đó, Sở Nhà đất tách thành Sở Tài nguyên - môi trường và Sở Xây dựng. Nếu chiếu theo luật hiện hành, hệ thống đăng ký nhà, đất đang bị chia cắt: Sở Tài nguyên - môi trường quản lý phần dưới (đất), còn Sở Xây dựng quản lý phần trên (vật kiến trúc trên đất).
Người chủ phần trên có thể sẽ không cần biết phần dưới của mình do ai làm chủ vì anh ta đã có một tấm giấy hợp pháp (theo Luật nhà ở). Sự chia cắt này đã và đang gây lãng phí rất lớn trong khâu quản lý như đo đạc bản đồ, cấp giấy; thiếu minh bạch dẫn tới tiêu cực do còn nhiều kẽ hở, qui định trùng lắp...
Một khi luật bị chia cắt thì phải xử lý về tổ chức. Mới đây, ngành tài nguyên - môi trường kiến nghị nhập cái phần đã tách trước đây (phần nhà) trở về cho sở quản lý. Việc nhập này sẽ giải quyết được nhiều việc: thống nhất một đầu mối, giảm lãng phí, chống tiêu cực...
Sắp tới, khi Luật đăng ký bất động sản ra đời, chưa biết chuyện gì nữa sẽ xảy ra. Cơ quan quản lý rối, người dân có nhà, đất cũng đang bị rối trong “ma trận” về qui định, thủ tục, giấy tờ của những qui định còn đang chênh nhau, vênh nhau. Và cuộc sống của người dân rất cần những tấm giấy sở hữu nhà, đất để an cư, sẽ tiếp tục phải chênh, vênh... theo luật.
Những rối rắm này chắc chắn còn dắt dây cho đời con cháu mai sau khi chúng phải cầm một đống giấy tờ đủ màu, xanh, đỏ, trắng, vàng... Như thế vô hình trung luật hành dân chứ không phải luật vì dân!
Theo Đoan Trang
Tuổi Trẻ