1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Chen nhau nộp hồ sơ đăng ký hộ khẩu

Sáng qua 14/11, hàng nghìn người dân đã tụ tập tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 13) và công an tất cả các quận, huyện của TPHCM để hỏi về thủ tục đăng ký hộ khẩu theo quy định mới.

Ngay từ sáng sớm, đã có khoảng trên 300 người dân tụ tập trước Phòng PC 13. Ở những điểm khác, nhiều người dân cũng tới rất đông để tiến hành các thủ tục nhập hộ khẩu. Để thuận tiện cho người dân đến tìm hiểu, các điểm đã chuẩn bị sẵn những bản in thông báo cụ thể và dựng công khai trong phòng hướng dẫn. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn cố gắng chen lấn, hỏi thêm thông tin. 

 

Ông Phan Đình Trừng, ở quận 10 có thời gian tạm trú tại TP Hồ Chí Minh 23 năm, đã 5 lần đi làm hộ khẩu vẫn không thành vì thiếu chủ quyền nhà ở (sổ hồng). Nay ông Trừng được địa phương xác nhận, nhà ở không có tranh chấp, không vướng quy hoạch, không lấn chiếm… đủ điều kiện nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cứ quay đi, quay lại vì không biết nên mua hồ sơ ở đâu. “Sáng thì lên công an quận, họ hướng dẫn lên PC 13. Đến đây, thì họ chỉ về quận làm” - Ông phàn nàn.

 

Tình trạng không biết mua hồ sơ ở đâu khá nhiều người gặp phải. Rồi việc xác nhận của UBND xã phường về tình trạng nhà đất, chứng minh mối quan hệ… cũng phải làm lại là khá phổ biến. Ông Nguyễn Văn Linh (Tân Bình) ngay từ sáng sớm đến nộp hồ sơ, nhưng phải về làm lại Giấy xác nhận tình trạng nhà vì thiếu phần xác nhận “không nằm trong quy hoạch”.

 

Về Tân Bình, ông đã làm được giấy xác nhận theo yêu cầu và cán bộ Phòng PC 13 nhận hồ sơ và viết giấy hẹn 24/11 đến trả hồ sơ. Ông cười hồn nhiên: “Bây giờ quy định như vậy, cũng “gỡ” cho người dân rất nhiều rồi”.

 

Việc thiếu những biểu mẫu cũng gây không ít khó khăn cho người dân, nhất là Giấy xác nhận tình trạng nhà ở (chủ yếu do người dân tự soạn thảo). Do chưa có biểu mẫu và hướng dẫn cụ thể, nên mỗi nơi có một cách xác nhận khác nhau. Nơi thì UBND phường (xã) xác nhận thiếu phần “không nằm trong quy hoạch”, nơi thì thiếu “không lấn chiếm”… khi đem đến nộp đều bị trả về để bổ sung. 

 

Nhiều hồ sơ cũng bị trả về do thiếu bản khai thay đổi nhân khẩu; thiếu giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, bị dính đến khu vực quy hoạch “treo”… Thiếu tá Lê Văn Sang- Phó đội trưởng đội tham mưu của Phòng PC13 cho biết: “Theo thông tư hướng dẫn khoản 1, điều 11, Nghị định 51 được sửa đổi, bổ sung theo NĐ 108 là: Nhà ở, đất ở được sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không lấn chiếm, không trong quy hoạch đã thông báo thời gian di dời của cơ quan có thẩm quyền là đủ. Tuy nhiên, ở UBND xã phường thường xác nhận thiếu hoặc sai. Vì thế buộc phải yêu cầu người dân làm lại. Những ngày tới chắc việc xác nhận này sẽ ổn hơn”. 

 

Tại các quận, huyện việc triển khai nhập khẩu theo Nghị định 108 còn có những vướng mắc chưa được tháo gỡ, nhất là quy định diện tích nhà ở tối thiểu. Đại tá Trần Triều Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết: “Hiện nếu cán bộ nơi khác đến thành phố có quyết định điều động công tác, hưởng lương ngân sách thì dễ, không “vướng” đến nhà. Còn có quyết định điều chuyển nhưng hợp đồng lao động không thời hạn, không hưởng lương ngân sách thì chưa có quy định cụ thể về diện tích nhà tối thiểu. Vì thế, công an vẫn đợi hướng dẫn cụ thể mới nhập khẩu được cho họ”.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi tại Phòng PC13 chỉ có 7 cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải thích cho người dân những thắc mắc. Do ít người nên tình trạng ùn tắc cục bộ, giải thích chưa thấu đáo cũng là điều dễ hiểu. Tại quận Bình Tân cũng chỉ có một cán bộ nhận hồ sơ.

 

Quận 10 thì đơn giản hơn vì lượng người tăng hơn ngày thường không đáng kể. Có trên 200 người đã ra về vì phần lớn họ tập trung lên Phòng PC13 là để hỏi thăm về các thủ tục. Cũng khoảng 250 người khác ra về hoặc chạy đi chạy lại nhiều lần do bổ sung các loại giấy tờ, xác nhận của UBND về tình trạng nhà cửa, hôn nhân…

 

Theo Đăng Giới
Tiền Phong