“Chen chân” sắm Tết trong phiên chợ ngày cuối năm
(Dân trí) - Phiên chợ ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Dòng người chen chúc nhau như mắc cửi. Cả người bán và người mua, ai cũng “chạy đua” để kịp về đón Tết.
Sáng 27/1 (tức 30 Tết), người dân đổ về các chợ Tết trên địa TP Đà Nẵng để sắm Tết. Đây là phiên chợ cuối cùng của năm Bính Thân 2016. Chợ Tết ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường.
Tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người bán ngồi tràn ra cả ngoài đường. Dòng người chen chúc như mắc cửi.
Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng và phong phú, phục vụ đầy đủ nhu cầu sắm Tết của người dân. Ngày Tết nên hầu như các mặt hàng đều tăng. Đông khách nhất là những mặt hàng đồ cúng như: hoa tươi, trái cây, bánh chưng, vàng mã và các loại rau, củ…
Phiên chợ ngày cuối năm, ai ai cũng vội vã, mua nhanh, bán nhanh để còn kịp về soạn Tết.
Nha Trang: Người dân phố biển hối hả chở mai, đào, cúc... về nhà
Gia Lai: Người dân phố núi hối hả mang Tết về nhà
Hơn 14h ngày 30 Tết, chợ hoa phố núi Pleiku lượng người tới mua các loại hoa cúc, quất, mai… đông nhất trong các ngày qua. Khắp chợ hoa, cảnh người khiêng chậu cúc, người chở xe máy, người chở bằng ô tô… trở nên đông đúc. Ai ai cũng hối hả, người bán thì mong sớm hết hàng để kịp về đón giao thừa cùng gia đình, người mua thì vui mừng vì đã chọn được thứ mình muốn mua…
Chị Trần Thị Hạnh (trú TP Pleiku) cho biết, chị là viên chức nhà nước, năm nay nghỉ Tết muộn nên gia đình chị bây giờ mới có thời gian ra chợ hoa để mua chậu quất về trưng trong nhà. Chị Hạnh tâm niệm, quất không chỉ tượng trưng cho mùa xuân, mà nó còn mang lại sự may mắn, hạnh phúc… đối với mỗi gia đình. Vì vậy, chưa Tết năm nào nhà chị thiếu cây quất trong nhà.
Chiều nay, lượng người mua đã tăng rất nhiều so với những ngày trước khiến anh Hùng (quê Tuy Hòa, Phú Yên) vui mừng. Anh cho biết, phần lớn những người bán cúc chậu và quất ở chợ hoa TP Pleiku đều là người quê Phú Yên mang lên đây bán. Vì vậy, chiều 30 Tết là ai ai cũng chộn rộn, mong hết hàng để sớm về đón giao thừa với gia đình.
Anh Hùng chia sẽ thêm, anh mang lên chợ hoa 300 chậu quất, đến giờ, may mắn đã bán sắp hết, mặc dù giá cả năm nay rẻ hơn năm ngoái khá nhiều: “Năm nay người dân đi chợ hoa muộn, chiều 28 Tết mà chợ vẫn vắng hoe người, dân buôn bán chúng tôi ai cũng lo ế, lỗ nặng nên đã hạ giá sớm”.
Một số hình ảnh tại chợ hoa phố núi:
Hà Tĩnh: Hối hả chợ Tết ngày cuối năm
Nhiều nông dân cũng đang cố gắng để bán hết số nông sản mình làm ra để kịp về sum vầy với gia đình. Tất cả đã tạo ra một nhịp điệu hết sức hối hả, tập nập của không khí chiều 30 tết.
Quảng Nam: Nhộn nhịp chợ quê ngày cuối năm
Chợ quê ở Quảng Nam những ngày cuối năm nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Sản vật đặc trưng của ngày Tết được người dân bày bán khắp nơi, niềm vui đón năm mới luôn hiện hữu trên những gương mặt cười.
Những phiên chợ quê vẫn còn lưu giữu những nét đẹp rất xưa trong truyền thống văn hóa dân tộc. Vào những ngày cuối năm, được đi một phiên chợ quê mới cảm nhận hết được không khí xuân đang về.
Các bà, các mẹ với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, hàng chất đầy sau xe đến chợ. Mặt hàng được bày bán chủ yếu là của nhà làm: bó bông, kẹp rau, nải chuối ươm vàng…
Tết năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ, thời tiết diễn biến thất thường nên nhiều mặt hàng đều đồng loạt tăng giá. Rau diếp cá với giá 20 ngàn/kẹp, xà lách 40 ngàn/kg, đậu cô ve 50 ngàn/kg...; hầu hết các loại bông đều tăng từ 5.000-10.000/cây, hoa lan có giá từ 60-100 ngàn/chục…; trái cây tăng từ 8.000-15.000/kg...
Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một bó lan, có người chỉ để tận hưởng cái không khí Tết rộn ràng của quê hương.
Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê tìm lại biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được mẹ mua bánh mứt, bánh tổ, bánh đậu xanh thơm ngào ngạt…
Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm nồng dịu, mùi của các loại bánh chỉ riêng Tết mới có...
Chợ Tết, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Chợ quê bày bán nhiều mặt hàng từ nhỏ đến lớn và lưu giữ một nét văn hóa rất riêng của người Việt, của hồn cốt dân tộc.
Hình ảnh chợ quê ngày tết được PV ghi nhận tại chợ Nồi Rang (huyện Duy Xuyên) và chợ Hội An (Quảng Nam).
Những nải chuối ươm vàng, sản vật nhà trồng được bày bán
Đôi vợ chồng già hạnh phúc bên nhau ngày cuối năm
N.Linh-C.Bính
Khánh Hồng - Thiên Thư - Xuân Sinh - Thuỷ Nguyên