1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc: Bị xử lý hình sự khi nào?

(Dân trí) - Đề cập hành động đi xe máy ngược chiều trên cao tốc, nhiều luật sư cho rằng, người đi xe máy sẽ bị xử lý hình sự khi hành vi của người đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại về người và tài sản...

Chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc: Bị xử lý hình sự khi nào? - 1

Chiếc xe máy đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiều 23/8.

Như Dân trí đã đưa tin, lực lượng chức năng vừa tiến hành xử phạt anh Giao Trung Kiên (26 tuổi, quê Nghệ An) số tiền 750.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 2 tháng vì đi xe máy ngược chiều 10 kilomet tại làn 1 (làn xe chạy 120Km/h) trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, khoảng 17h chiều 23/8, anh Kiên điều khiển xe môtô BKS 29 M1- 08222 đi ngược chiều từ Km0 (nút giao vành đai III) về Km10 (Trạm Thu phí đầu tuyến). Toàn bộ hành vi của anh Kiên đã bị camera an ninh của Trung tâm điều hành đường ô tô cao tốc ghi nhận lại.

Sẽ bị xử lý hình sự nếu có hậu quả xảy ra

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành động chạy ngược chiều trên cao tốc là vô cùng nguy hiểm.

Nếu hành vi vi phạm này gây ra hậu quả được quy định theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 thì người đi xe máy có thể bị xử lý hình sự.

“Theo đó, một người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;… gây thiệt hại về tài sản từ 100-500 triệu đồng” - ông Thanh trích dẫn.

Cùng chung quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đối với trường hợp ở trên, người đi xe máy vì chưa gây ra hậu quả nên bị xử lý về mặt hành chính theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

“Người đi xe máy sẽ bị xử lý hình sự khi hành vi của mình là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại về người và tài sản (hậu quả)” - ông Bình nói.

Hãi hùng xe máy chạy ngược chiều 10 kilomet trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Báo Dân trí.mp4

Phương tiện nào sai thì phải chịu trách nhiệm

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), xảy ra va chạm giao thông giữa người đi xe máy và ô tô, người tham gia giao thông vẫn giữ tư duy cho rằng “xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ”.

“Nguyên tắc bất thành văn này rất phổ biến. Tuy nhiên xét về mặt pháp lý, phương tiện nào sai thì phải chịu trách nhiệm” - ông Hậu nói.

Luật sư Hậu chia sẻ thêm, trường hợp xe máy đi ngược chiều và gây thiệt hại về tính mạng thì người điều khiển xe máy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, người gây tai nạn còn phải chịu trách nhiệm dân sự được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự.

“Người đi xe máy có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra. Nếu người đi xe máy tử vong nhưng để lại tài sản thì những người kế thừa có trách nhiệm dùng tài sản đó để bồi thường thiệt hại” - ông Hậu khẳng định.

Đánh giá về chế tài xử phạt đối với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, các luật sư cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt, thậm chí tước bằng lái vĩnh viễn để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung vì hành động này có tính chất nguy hiểm cao, nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Nguyễn Trường