1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chạy trời không thoát Tết thiếu thốn”

(Dân trí) - Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết nhưng hàng trăm công nhân của Công ty Quốc Bảo - công ty chuyên sản xuất giày da (Ngô Quyền, Đà Nẵng) phải rớt nước mắt vì không có một đồng lương, đồng thưởng trong tay.

“Chạy trời không thoát Tết thiếu thốn” - 1
 
16h chiều ngày 16/1, gần 500 công nhân Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Bảo đồng loạt biểu tình đòi nghỉ việc và buộc công ty trả lương trợ cấp nghỉ việc như đã hứa.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Vân, công nhân tổ dập bức xúc: Khoảng cuối tháng 11, công ty thay chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cũ đã chấm dứt hợp đồng với hơn 1.000 công nhân nhưng chủ doanh nghiệp mới lại kêu gọi công nhân ở tổ may và tổ dập trở lại làm; đồng thời hứa sẽ trả tiền đáo hạn hợp đồng cho công nhân trước ngày 15/1.

Hơn 500 công nhân không có việc đã nghỉ làm và nhận trợ cấp mất việc mỗi người 1 tháng lương. Còn 472 công nhân vẫn ở lại làm cho chủ doanh nghiệp mới. Nhưng đến hết ngày 16/1, công ty đã cho công nhân nghỉ Tết mà gần 500 công nhân này vẫn chưa được thanh toán đáo hạn hợp đồng.

Chị Lê Thị Như Ngọc, quê Quảng Nam, công nhân phân xưởng may, giàn giụa nước mắt: “Công ty nói là vẫn còn hàng để làm, chúng tôi cũng ráng ở lại mong kiếm được thêm ít đồng chắt bóp cuối năm. Nhưng cả tháng 12, tôi cũng chỉ làm được 5 ngày công vỏn vẹn được 184.000 đồng, còn thì buổi sáng đến công ty bảo không có hàng, không có việc làm thì coi như ngày nớ thất nghiệp, không có lương.

Cả một tháng kiếm chưa được 200.000 đồng, tiền nhà trọ cũng không đủ chi trả, nói chi đủ tiền xe về quê, cũng không dám mơ mua được ít quà Tết đem về. Làm cả mấy năm trời ở công ty này rồi, vậy nhưng năm nay công ty kêu khó không có thưởng cả Tết tây lẫn Tết ta.

Nhắm tình hình công ty không có hàng, không có việc làm, tôi viết đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được phê duyệt. Công ty có thông báo những người muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ được thanh toán 50% lương tháng, khoảng hơn 600.000 đồng trước ngày 15/1 nhưng đến nay vẫn không thấy đâu. Nghỉ Tết rồi mà chưa có tiền, lấy gì mua vé xe về quê đây. Rồi năm sắp tới đây không có việc làm, chưa biết làm sao nữa!”.

“Chạy trời không thoát Tết thiếu thốn” - 2

Công nhân viết đơn xin nghi việc ngay tại buổi biểu tình.
 
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Hoa, phụ trách tiền lương Công ty Quốc Bảo phủ nhận việc công nhân viết đơn nghỉ việc nhưng không được giải quyết. Bà Hoa cho biết ngay lúc này, công nhân nào muốn nghỉ việc, công ty sẽ thanh toán mọi khoản tồn đọng tại chỗ. Trong lúc đó phía ngoài sân công ty, công nhân đã đồng loạt chuyền tay tờ mẫu và viết đơn xin nghỉ việc. Nhiều người chán ngán: “Đâu ai muốn thất nghiệp nhưng ở lại công ty cũng không có việc làm”.

Ngay trong chiều cùng ngày, lãnh đạo Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng, Sở LĐ-TB&XH đã có mặt và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Quốc Bảo. Sau buổi làm việc với lãnh đạo công ty, bà Nguyễn Thị Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng kết luận thống nhất: “Đây là số công nhân còn thời hạn làm việc trong hợp đồng lao động với công ty nên những công nhân nào muốn chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/12/2008 thì chỉ được Công ty Quốc Bảo thanh bằng 50% tiền lương. Còn việc thanh toán chế độ tiền lương và thưởng tết, đại diện Công ty Quốc Bảo cũng hứa sẽ trả vào sáng ngày 17/1”.

Cùng chiều ngày 16/1, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết tại Công ty TNHH Hữu Nghị cũng chuyên sản xuất giày da, gần 300 công nhân cũng làm việc với ban giám đốc công ty để tìm câu trả lời rõ ràng: bao giờ mới có lương tháng 12? có thưởng Tết hay không? thưởng được bao nhiêu?

Tiền lương, tiền thưởng chưa biết thế nào, nhưng hàng trăm công nhân đang rớt nước mắt lo “chạy đằng trời không thoát Tết thiếu thốn”.
 

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, người lao động mất việc nên tham khảo điều 17 - Luật Lao động để đảm bảo quyền lợi của mình.

Điều 17

1- Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ một năm trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương. 

2- Khi cần cho nhiều người thôi việc theo khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc, sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật này. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết. 

3- Các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm theo quy định của Chính phủ để kịp thời trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm. 

4- Chính phủ có chính sách và biện pháp tổ chức dạy nghề, đào tạo lại, hướng dẫn sản xuất kinh doanh, cho vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm; hỗ trợ về tài chính cho những địa phương và ngành có nhiều người thiếu việc làm hoặc mất việc làm do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ. 

Khánh Hiền