1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa

(Dân trí) - Cứ vào đêm Giao thừa hàng năm, người dân xã Yên Tiến, huyện Ý Yên lại kéo nhau về đình làng để xin “lửa thánh”. Sau khi xin được “lửa thánh” những người này sẽ chạy thật nhanh về nhà để cầu sự may mắn trong năm mới.

Ở xã Yên Tiến ngày cuối năm, trong khi mọi người đang tất bật với công việc chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thì các thanh niên trai tráng trong làng lại dành đa số thời gian để chuẩn bị cho mình những cây đuốc, sẵn sàng cho tục xin “lửa thánh” ngay đêm giao thừa.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 1

Ngay từ 23h đêm, chuẩn bị thời khắc sang canh, rất nhiều người đã tụ tập trước cổng đình

 

Xin “lửa Thánh” đêm giao thừa là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Theo quan niệm của người dân nơi đây, xin “lửa thánh” không chỉ có ý nghĩa cầu mong một năm mới ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, người người gặp nhiều may mắn mà nó còn thể hiện lòng thành kính của người dân nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công ơn của người có công lao khai mở đất nước bờ cõi.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 2

Khi gần đến thời khắc giao thừa, một số thanh niên trai tráng trong làng khênh một chiếc kiệu đẹp trang trí đặc sắc, rước người tế chủ ra đình làng

 

Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, tục xin lửa vào đêm Giao thừa có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, khi vua Đinh kéo quân từ Hoa Lư về tập trận tại thôn Cát Đằng. Người dân vì khâm phục vua Đinh Tiên Hoàng nên đã tôn làm thánh và thờ tại đình của làng.

Kể từ đó, cứ vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng Cát Đằng lại tổ chức lễ xin lửa thánh để tưởng nhớ đến vị vua đáng kính cũng như mong muốn một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Ngoài ra, tục xin lửa đêm Giao thừa ở làng Cát Đằng còn để tưởng nhớ đến người đã có công mang nghề mới đến cho dân.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 3

Trên tay mỗi người cầm một đoạn đuốc làm sẵn chờ xin lửa thánh đầu năm

 

Theo lịch sử, vùng đất xã Yên Tiến ngày nay được hình thành từ vùng rừng Kim Xuyên, thời Ngô Vương vốn là khu đồng ngập nước quanh năm nên khó làm ăn sinh sống. Sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha tiếm quyền, nội bộ nhà Ngô lục đục gây ra loạn 12 sứ quân. Sứ quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át) trấn giữ vùng Đằng Châu (Hưng Yên) đồng thời khai phá mở rộng thế lực ra cả vùng Kim Xuyên này.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 4

Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ánh lửa thiêng bùng lên sáng rực cả một góc trời, mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để lấy lửa, sau đó giơ cao ngọn đuốc rồi tỏa về khắp các ngõ, xóm.

 

Trước khí thế của đại quân Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Phòng Át đã lập nhiều chiến công, được phong là Thiên Vệ Tướng Quân. Trải qua các triều đại phong kiến từ Đinh - Lê đến Lý - Trần, vào thời Quang Thái thứ 5 đời Trần Thuận Tông (1388-1398), do loạn ly đói kém, dân cư bỏ đi, ruộng đồng hoang hóa, làng xóm tiêu điều. Lúc đó có người ở Đa Lộc Đồng Triều là Ngô Ân Ba và người ở Triều Luật Thượng Phúc là Phạm Đăng Lĩnh đã chiêu mộ được gần 100 người về cùng dân địa phương khai hoang, phục hóa, dần dần ổn định cuộc sống.

Ngô Ân Ba có nghề làm sơn đã tìm cách truyền nghề cho dân làng Cát Đằng nên cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và nghề thợ sơn đã trở thành một trong những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Cát Đằng cho tới ngày nay.

Tục xin lửa của người dân làng Cát Đằng cũng là dịp để tưởng nhớ tới ông tổ nghề của làng. Xin lửa Thánh không chỉ để cầu năm mới ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, người người gặp nhiều may mắn mà còn thể hiện lòng thành kính của người dân, nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công ơn của người có công lao khai mở đất nước bờ cõi.

Khi gần đến thời khắc giao thừa, một số thanh niên trai tráng trong làng khênh một chiếc kiệu đẹp trang trí đặc sắc, rước người tế chủ ra đình làng. Người Tế chủ là người đã được tuyển chọn, là người cao niên trong làng đại diện cho làng để mở cửa đình. Gia đình người Tế chủ phải còn đầy đủ mọi người sống khoẻ mạnh, hạnh phúc không vi phạm pháp luật.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 5

Ngọn đuốc tỏa về khắp các ngõ, xóm ở Yên Tiến vào đêm giao thừa

 

Sau khi mở cửa đình, lễ rước nước từ sông Đằng về thờ ở đình được tiến hành, cả làng trịnh trọng rước kiệu ra sông xin nước rồi cùng nhau rước nước về để lên bàn thờ. Đêm giao thừa, đúng vào thời khắc sang canh, khi 3 kim đồng hồ chập một chỉ vào đúng số 12, báo hiệu một năm mới đã đến, vị Tế chủ trịnh trọng lấy lửa hương đưa qua một khe ở bên mé tường đã chuẩn bị từ trước châm vào vạc dầu ở bên ngoài sân đình để mở đầu cho lễ xin “lửa Thánh”.

Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ánh lửa thiêng bùng lên sáng rực cả một góc trời, mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để lấy lửa, sau đó giơ cao ngọn đuốc rồi tỏa về khắp các ngõ, xóm. Trên các nẻo đường, ai cũng thi nhau chạy thật nhanh để mong sao mình là người đầu tiên về nhà sớm nhất bởi người dân trong làng Cát Đằng quan niệm rằng, nếu là người về nhà đầu tiên thì cả năm đó, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.

Chạy “thục mạng” xin “lửa Thánh” đêm Giao thừa - 6

Trên các nẻo đường, ai cũng thi nhau chạy thật nhanh để mong sao mình là người đầu tiên về nhà sớm nhất bởi người dân trong làng Cát Đằng quan niệm rằng, nếu là người về nhà đầu tiên thì cả năm đó, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.

 

 

Sau đó, mọi người dùng ngọn lửa đó để thắp hương, đèn cầy cúng gia tiên, nhóm lửa bếp gia đình và đồng thời khua khắp nhà để xua đi những điều chưa may mắn của năm cũ.

Với ý nghĩa của ngọn lửa thiêng liêng Thánh ban đó người dân xã Yên Tiến luôn giữ lửa trong nhà hết 3 ngày Tết ở bàn thờ và ở bếp nhà mình.

Sau nhiệm vụ mở cửa đình, người được suy tôn làm Tế chủ đó sẽ có trách nhiệm làm Tế chủ cả một năm đó mỗi khi đình làng có công việc.

Đức Văn