1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cháy tại các khu dân cư diễn biến phức tạp

Thế Kha

(Dân trí) - Năm 2022, thiệt hại do cháy gây ra làm chết 105 người, bị thương 95 người; tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 1.033 tỷ đồng. Cháy tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng cháy và chữa cháy năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.748 vụ cháy (gồm 1.714 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 34 vụ cháy rừng).

Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 105 người, bị thương 95 người; tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 1.033 tỷ đồng và 125 ha rừng. So sánh cùng kỳ năm 2021, tình hình cháy đã được kiềm giảm về số vụ nhưng tăng thiệt hại về người và tài sản.

Cháy tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao (chiếm 46,44%), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 50% tổng số vụ.

Cháy tại các khu dân cư diễn biến phức tạp - 1

Vụ cháy quán bar gần chợ Bến Thành, TPHCM ngày 17/10 (Ảnh: Ngà Trịnh).

Về loại hình xảy ra cháy, báo cáo của Chính phủ cho biết có 655 vụ cháy nhà dân; 154 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; 34 vụ cháy nhà chung cư; 27 vụ cháy chợ; 7 vụ cháy siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa; 11 vụ cháy vũ trường, bar, karaoke; 30 vụ cháy trụ sở làm việc; 12 vụ cháy trạm biến áp; một vụ cháy bến xe; 216 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới; 316 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; 11 vụ cháy cơ sở giáo dục; 3 vụ cháy cơ sở y tế; 237 vụ cháy các loại hình cơ sở khác và 34 vụ cháy rừng.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tham gia 2.713 vụ; hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp tổ chức cứu được 701 người và tìm được 753 thi thể nạn nhân (do các vụ như tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử…) bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Ngoài ra, qua nắm bắt theo dõi tình hình còn hàng trăm vụ sự cố, tai nạn nhỏ khác được quần chúng nhân dân, lực lượng tại chỗ tổ chức thực hiện nhưng không có báo cáo về cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ để thống kê.

Phân tích các vụ sự cố, tai nạn do lực lượng cảnh sát tổ chức thực hiện cho thấy: 753 vụ sự cố, tai nạn cháy (chiếm 27,8%); 765 vụ tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm (chiếm 28,2%); 334 vụ sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (chiếm 12,3%); 299 vụ sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm (chiếm 11,0%); 30 vụ sự cố, tai nạn nổ (chiếm 1,1%); 87 vụ sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối, tai nạn sạt lở đất, đá, tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí (chiếm 3,2%)…

Xử phạt gần 13.000 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1.096 trường hợp

Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp tại khu dân cư, các cơ sở tập trung đông người, trong năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các loại hình, cơ sở trên, xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở vi phạm.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tham mưu UBND các cấp mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Qua rà soát, thống kê, hiện nay cả nước có 5.209 cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực. Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, các cơ quan chức năng đã yêu cầu, kiến nghị chủ đầu tư tổ chức khắc phục các hạn chế thiếu sót được 1.253 cơ sở (đạt tỷ lệ 19,39%). Các cơ sở còn lại đã có kế hoạch và lộ trình để khắc phục theo các giai đoạn (do một số công trình đang thuộc diện di dời, dừng hoạt động…).

Cháy tại các khu dân cư diễn biến phức tạp - 2

Vụ cháy quán karaoke An Phú ở tỉnh Bình Dương vào ngày 7/9 đã khiến 33 người chết (Ảnh: T.K).

Cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra.

Đồng thời tổ chức tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc đối với các cơ sở đông người, khu vực có nguy cơ cao về cháy, nổ nhất là karaoke, vũ trường, quán bar... Dự kiến cuối tháng 12 sẽ tổ chức sơ kết đợt tổng kiểm tra để rút kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên toàn quốc.

Cơ quan công an cũng đăng tải công khai thông tin 5.376 công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để các bộ, ngành, địa phương và người dân cùng tham gia giám sát.

Trong năm qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt gần 13.000 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy với tổng số tiền phạt là khoảng 200 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.276 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.096 trường hợp; khởi tố 7 vụ với 7 bị can.