1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Chất thải y tế “chảy” về đâu?

(Dân trí) - Ở Đà Nẵng hiện có 27 bệnh viện, chưa kể khoảng 790 phòng khám tư nhân. Tính sơ sơ trung bình mỗi ngày có hàng chục tấn chất thải y tế được đổ ra. Loại chất thải độc hại này sẽ đi về đâu?

Qua tìm hiểu được biết hiện thành phố Đà Nẵng chỉ có vài lò đốt chất thải rắn y tế nhỏ, không hề có lò đốt quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP, đến thời điểm này, chỉ có lò đốt chất thải rắn của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) là đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi thì lò đốt chất thải rắn được xem là lớn nhất thành phố là của Bệnh viện C.

 

Một bác sĩ của bệnh viện cho biết, đây là lò đốt được bệnh viện đặt mua từ Nam Phi, từ năm 1998, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Lò này có công suất đốt là 150 kg/ngày trong khi công suất đốt thực tế của bệnh viện là 50 kg/ngày. Vài năm gần đây, lò nhận thêm rác thải của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (120 kg/ngày). Do quá công suất nên lò phải đốt làm 2 đợt một ngày mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

 

Chất thải rắn, trong đó có cả các bộ phận cơ thể người, không được phân loại đúng như quy định, lại được thiêu huỷ trong một lò đốt với công nghệ đã lạc hậu, nằm gần khu dân cư. Thứ mùi thải ra từ lò đốt gây ô nhiễm không khí, khiến người dân rất bức xúc.

 

Đó là chưa kể đến những bệnh viện khác trong thành phố, rác thải độc hại liệu có được kiểm soát chặt chẽ trước khi chuyển ra bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) - nơi mỗi ngày có hàng trăm con người ngập chìm trong rác, bới nhặt rác để mưu sinh? Nỗi lo về những mầm dịch bệnh là có thật. Nỗi lo về những nguồn nước, bầu khí thở đặc quánh mầm ô nhiễm từ bệnh viện là có cơ sở.

 

Một cán bộ Sở Y tế cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo Sở kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế tham gia dự án xử lý chất thải y tế. Hiện, đã có một dự án của Tây Ban Nha, với tổng số vốn hơn 3,4 triệu euro. Dự án này bao gồm hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện và 1 lò đốt chất thải rắn tập trung tại phường Hoà Khánh, quận Liên Chiểu.

 

Nhưng cho đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy, cùng chung số phận với một dự án khác của Bệnh viện C Đà Nẵng (xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải, lò đốt chất thải rắn công suất 450 kg/ngày. Kinh phí 5 tỉ đồng).

 

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền và các ban ngành có liên quan của Đà Nẵng phải nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn độc hại; tránh cho môi trường nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nhân dân.

 

Lê Tấn Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm