1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chất lượng thịt gia súc: bao giờ hết lo?

(Dân trí) - Thông tin về một số người chăn nuôi ở TPHCM vẫn sử dụng thuốc Clenbuterol để tăng trọng gia súc, gia cầm khiến người tiêu dùng đang vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên những ngày gần đây cho thấy, nhiều chợ Hà Nội vẫn tồn tại thịt gia súc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều điểm bán thịt không rõ nguồn gốc

 

Từ khi có thông tin về loại thuốc tăng trọng Clenbuterol độc hại tồn dư trong gia súc, khu vực bán thịt gia súc thuộc chợ Hàng Da thưa thớt hẳn. Chị Hồng Thị Dung (chủ quầy A172, chợ Hàng Da) cho biết: Từ hôm các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh việc tuyên truyền về dịch lở mồm long móng rồi lại chuyện về thứ thuốc siêu tăng trọng mà người nuôi lợn vẫn dùng khiến lượng thịt bán ra giảm tới 1/3. Không chỉ giảm về số lượng mà giá thành của các loại thịt gia súc cũng giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

 

Theo chị Hồng, quy định của chợ Hàng Da là 5 giờ sáng hằng ngày, tại đây đều có cán bộ thú y tiến hành kiểm dịch và đóng dấu trên gia súc. Tuy nhiên, khi hỏi giấy kiểm dịch và chứng nhận nguồn gốc gia súc thì chị Hồng cũng như hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh thịt tại đây đều… lắc đầu.

 

Một chợ cóc đối diện với chợ Hàng Da, ngõ Yên Thái (thuộc phường Cửa Đông), có đến gần chục hàng kinh doanh thịt gia súc. Chủ cửa hàng số 39 (ngõ Yên Thái) cho biết, gần 11 giờ trưa, cán bộ thú y mới ghé qua kiểm dịch. Tại cửa hàng số 21, người bán hàng lục lọi một hồi, tìm được tấm giấy kiểm dịch nhàu nát để cho chúng tôi xem nhưng tiếc rằng trên đó chúng tôi không thấy có dấu của bất kỳ một cơ quan chức năng nào.

 

Khảo sát tại chợ 19/12 (chợ Âm Phủ), có hơn 20 hộ kinh doanh thịt nhưng không một hộ nào xuất trình được giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của gia súc. Thậm chí, chủ kiốt số 153, chị Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, thịt lợn được nhập từ Phủ Lý (Hà Nam) và đưa thịt cho một số nhà hàng và khách sạn Hòa Bình (27 Lý Thường Kiệt) nhưng đã tiện tay đưa luôn cả giấy kiểm dịch cho nhà hàng, khách sạn vì nghĩ chẳng ai kiểm tra...

 

Ở chợ Hôm - Đức Viên cũng trong trình trạng tương tự, hầu hết những chủ kinh doanh thịt gia súc chẳng hề có giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thịt gia súc được bày bán. Theo chị Từ Thị Liêm, cán bộ thú y, khi chọn mua thịt, người tiêu dùng tránh mua những con lợn có nốt thủy đậu, nốt thâm đỏ quanh móng hoặc trên da. Thế nhưng, nhìn những miếng thịt được cạo sạch phần da, những chiếc móng được lột sạch bày bán tại các chợ, thêm vào đó là sự mập mờ, quanh co về nguồn gốc của gia súc như đã nêu trên thì làm sao người tiêu dùng có thể phân biệt được lợn lành và lợn bệnh?

 

Kiểm soát chất lượng - lực bất tòng tâm

 

Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: Mỗi năm Hà Nội tiêu thụ khoảng 101.200 tấn thịt lợn, trâu, bò, gia cầm tươi sống. Trung bình mỗi ngày, tiêu thụ hết 20 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 178 tấn thịt lợn (tương đương 3.200 con), 40 tấn thịt trâu bò (tương đương 500 con), 62 tấn thịt gia cầm (tương đương 44.500 con).  Trong khi đó Hà Nội chỉ đáp ứng được hơn 30% thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, số còn lại buộc phải nhập từ các tỉnh lân cận.

 

Theo quy định, khi nhập sản phẩm động vật vào thị trường Hà Nội, nhà cung cấp phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương. Nhưng một trong những vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn thực phẩm từ các tỉnh chuyển về Hà Nội rất khó kiểm soát, vì lực lượng thú y quá mỏng.

 

Đối với vấn đề sử dụng thuốc tăng trọng Clenbuterol trong chăn nuôi, ông Giang cho biết, từ trước đến nay Hà Nội chưa từng lấy mẫu xét nghiệm đối với loại hoócmôn tăng trọng này, nên không thể có kết luận chính xác. Nếu loại hoócmôn tăng trọng này có trong các loại sản phẩm động vật thì rất đáng lo ngại. Tới đây, Cục sẽ đôn đốc tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thịt gia súc để người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi sử dụng.

 

Như vậy, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc thì người dân vẫn phải lo lắng về an toàn chất lượng thịt gia súc.

 

Phạm Thanh