1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Chấp hành giao thông tốt hơn sau “phạt tăng nặng”

(Dân trí) - Theo nhận định của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ TPHCM, từ khi Nghị định 34/2010/NĐ-CP (phạt tăng nặng) có hiệu lực đến nay, ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân thành phố đã chuyển biến tích cực.

Chấp hành giao thông tốt hơn sau “phạt tăng nặng” - 1
Tạm giữ các xe vi phạm tụ tập lạng lách, đánh võng gây mất trật tự.
 
Ông Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ cho biết: “Qua công tác tuần tra kiểm soát, theo dõi trên đường cho thấy người dân đã nắm được các quy định về mức xử phạt mới theo Nghị định 34.
 
Do mức xử phạt của Nghị định 34 cao hơn trước đây rất nhiều nên ý thức tự giác chấp hành luật giao thông có phần tốt hơn, các hành vi vi phạm phổ biến như dừng không đúng vạch kẻ sơn khi đèn đỏ, lưu thông không đúng phần đường… đã giảm đáng kể”.
 
Điển hình là khu vực có tình hình giao thông phức tạp như đoạn Xa lộ Hà Nội trước khu du lịch Suối Tiên và tuyến quốc lộ 1A đi qua TP. Tại đây thời gian qua, tình hình chấp hành luật Giao thông đã nghiêm túc hơn, các trường hợp vượt sai quy định, lưu thông không đúng phần đường (lấn tuyến) đã giảm so với trước.
 
Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ TPHCM thì từ khi Nghị định 34 có hiệu lực, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP đã giảm đáng kể cả về số vụ và số người chết so với thời gian trước đó.
 
Cụ thể, thống kê 15 ngày sau khi Nghị định 34 thực thi, trên địa bàn TP chỉ xảy ra 38 vụ TNGT làm 33 người chết, giảm 10 vụ và 3 người chết so với thống kê 15 ngày trước đó.
 
Tuy nhiên, Phòng CSGT vẫn lo ngại về tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành từng tốp điều khiển xe mô tô, gắn máy lạng lách, rú ga, nẹt pô, chạy thành đoàn, dàn hàng ngang… gây mất trật tự trên đường vào ban đêm.
 
Thời gian qua, dù mức xử phạt tăng nặng nhưng tình trạng trên vẫn diễn biến khá phức tạp, chỉ trong nửa tháng sau khi Nghị định 34 có hiệu lực, Phòng CSGT đã phát hiện đến 13 vụ như trên, lập biên bản xử lý 719 trường hợp, tạm giữ 193 xe.
 
Theo Phòng CSGT, tình trạng này diễn biến phức tạp một phần là do Nghị định 34 không quy định tạm giữ phương tiện đối với các hành vi tụ tập, lưu thông lạng lách đánh võng… Do đó, không tạo được chế tài răn đe, giáo dục đối với các đối tượng này.
 
Ngoài ra, các vi phạm như: sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy, buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy... đều đã được Nghị định 34 tăng nặng mức xử phạt lên đến 2 - 7 triệu đồng (khoản a, mục 6 - 7, điều 9).
 
Tuy nhiên, theo Phòng CSGT thì dù phạt nặng nhưng không có tạm giữ phương tiện thì không thể chế tài xử phạt hành chính được. Vì chỉ tạm giữ giấy phép đăng ký xe và giấy phép lái xe thì rất nhiều đối tượng bỏ cả giấy tờ, trốn nộp phạt như: người ngoại tỉnh, người cố tình không chấp hành xử phạt...
 
Tùng Nguyên