1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời chất vấn

Sáng nay 27/11, sau khi Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân hoàn thành nốt phần trả lời chất vấn của mình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện là người thực hiện phần trả lời chất vấn tiếp theo. Vụ án Đồ Sơn sẽ trở thành một trong những điểm nóng được các đại biểu quan tâm đề cập.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, trong năm 2006, toàn ngành đã thụ lý 232.000 vụ án các loại, tăng 22.000 vụ so với năm 2005. Theo đánh giá, phát biểu của các đại biểu Quốc hội, ngành toà án cũng như các ngành tư pháp khác đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn so với năm 2005.

 

Một số hạn chế trong công tác tư pháp hiện nay: Vẫn còn số lượng  lớn vụ án có kết luận khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, số vụ án được đưa ra xét xử có việc bị hủy, sửa, quá hạn tố tụng vẫn còn.

 

Theo ông Hiện, hoạt động tiến hành tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử vô cùng quan trọng, chất lượng của nó có ảnh hưởng không ít đến việc đảm bảo và giữ gìn trật tự. Trong toàn bộ các hoạt động này, khâu xét xử là khâu cuối cùng, nhưng chất lượng xét xử phụ thuộc không ít vào điều tra, truy tố. Hầu hết các nước trên thế giới đã đi đến kết luận, để đảm bảo chất lượng công tác xét xử, cần phải có 5 điều kiện: Người tiến hành tố tụng tốt; hệ thống pháp luật tốt; người tham gia tố tụng tốt; hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp tốt; và thực hiện tốt nguyên tắc độc lập tư pháp, tuân theo pháp luật.

 

Ông Hiện phân tích ở nước ta, 5 điều kiện này đã đạt đến đâu. Theo ông Hiện, về số lượng người tiến hành tố tụng, bên công an hiện thiếu trên 1.000 điều tra viên, VKSNDTC thiếu gần 1.000 kiểm sát viên, thẩm phán thiếu gần 900 người. Hệ thống pháp luật: Luật con không được mâu thuẫn với luật mẹ, vi phạm pháp luật phải rành mạch, không chồng chéo. Về người tham gia tố tụng: Bị can, bị cáo phải tốt, phải thành khẩn khai báo, nhưng theo thống kê, có đến trên 50% bị can, bị cáo chưa tốt, không khai báo thành khẩn.

 

Theo dự kiến trong phần chất vấn tiếp theo, vụ án Đồ Sơn sẽ trở thành một trong những điểm nóng, chưa kể việc xét xử một số vụ án cụ thể khác cũng có thể được đề cập. “Biện pháp xử lý những thẩm phán cố tình xử sai (như vụ Đồ Sơn, Hải Phòng) ra sao?” (đại biểu Trần Văn Kiệt, Vĩnh Long); “Giải pháp nào khắc phục những yếu kém tồn tại của ngành tòa án (trong năm 2006 vẫn còn 2.584 bản án, quyết định bị hủy để giải quyết lại; 9.486 bản án, quyết định của tòa cấp sơ thẩm bị sửa, 2.000 vụ việc dân sự để quá hạn luật định...)? Có bao nhiêu cán bộ bị xử lý về những sai phạm vừa nêu?” (đại biểu Đinh Hoài Bắc, Quảng Ngãi)... là những vấn đề đã được đặt lên bàn ông Hiện trước phiên chất vấn.

 

Theo Lao Động