Chánh án TAND Tối cao: “Đặc xá thời gian qua có vẻ làm hơi quá”
(Dân trí) - Dẫn chứng việc 10 năm đặc xá trên 85 nghìn người, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội: “Đặc xá trong thời gian qua có vẻ làm hơi quá”. Hội đồng xét xử để tăng án thêm 6 tháng thì phải họp cân nhắc và chịu trách nhiệm rất lớn, trong khi mỗi đợt đặc xá lên tới khoảng 10.000 người.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đặc xá sáng 11/6, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn nên quy định chỉ đặc xá vào năm chẵn, nếu áp dụng rộng quá sẽ làm mất ý nghĩa đặc xá. Chỉ nên áp dụng đặc xá với những đối tượng nhất định, không nên quy định đặc xá các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khủng bố.
Để khắc phục tình trạng đặc xá quá nhiều, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị chỉ áp dụng với một số đối tượng nhất định, người lập công lớn và cần nghiên cứu, cân nhắc các lần đặc xá cách nhau 3-5 năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phân tích: Mỗi đợt đặc xá khoảng 10 nghìn người, tuy lớn nhưng so với 150 nghìn người phải chấp hành án hàng năm thì con số này không phải lớn. Nếu đặt trong bối cảnh khoan hồng, góp phần giảm tải, quá tải trại giam với trung bình 2m2 trên mỗi phạm nhân sẽ thấy rõ điều đó.
Về điều kiện, ông Cường đề nghị không nên giới hạn đặc xá. Các điều kiện về án tích, chưa được đặc xá lần nào, chấp hành hình phạt tiền không nên sửa.
Thông tin thêm với các đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, đặc xá trong thời gian qua “có vẻ làm hơi quá”, khi trải qua 10 năm đã đặc xá 85 nghìn người, khiến yêu cầu nhân đạo của Nhà nước mờ đi. Hội đồng xét xử để tăng án thêm 6 tháng thì phải họp cân nhắc và chịu trách nhiệm rất lớn, trong khi mỗi đợt đặc xá lên tới khoảng 10.000 người.
Theo ông Bình, nếu đưa ra điều kiện tha tù trước thời hạn và đặc xá giống nhau là không nên. “Ví dụ người bị án 10 năm tù, chấp hành 5 năm đến năm thứ 6 được tha tù trước thời hạn nhưng nếu ra tù mà tái phạm thì lại phải quay lại tù. Còn đặc xá tha là tha luôn, không quay lại. Như vậy tha tù trước thời hạn vừa nhân đạo vừa nghiêm minh, tái phạm là quay trở lại tù, khác với đặc xá ở chỗ không được miễn luôn phần án còn lại”- ông Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Lâm Đồng) đánh giá, các điều kiện đặc xá đang tiếp cận theo hướng tha tù có điều kiện, giảm hình phạt đã tuyên… đã được quy định trong Bộ Luật hình sự. Sự khác biệt chỉ là nới lỏng hoặc quy định chặt chẽ hơn.
“Hệ quả là đối tượng đặc xá trùng với các đối tượng đã được áp dụng các quy định nêu trên”- ông Hiến nói.
Ngoài ra, nhiều điều khoản quy định việc được đề nghị đặc xá phải chấp hành bổ sung hình phạt tiền, trường hợp chưa chấp hành xong do Chủ tịch nước xem xét, theo vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng, sẽ dẫn tới chuyện có những người dù được cải tạo tốt đến mấy nhưng không có điều kiện thi hành hình phạt tiền thì không được đặc xá.
“Trong dự luật quy định điều kiện người được đề nghị đặc xá là đã làm xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ đền bù dân sự. Theo tôi đây là điểm không khả thi. Thực ra một người đã thực sự cải tạo tốt, khi cho họ miễn hình phạt tù thì họ càng có điều kiện lao động, có thu nhập, có khả năng cao hơn về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ dân sự khác”- ông Hiến bày tỏ.
Để đặc xá thực chất thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước, ông Hiến đề xuất thiết kế lại theo hướng, đặc xá chỉ nên áp dụng với 3 điều kiện sau: Những người thực sự có tiến bộ trong cải tạo, giáo dục; có hoàn cảnh đặc biệt như lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, người trên 70 tuổi thường xuyên ốm đau và người không tự phục vụ được; áp dụng trong trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại của nhà nước.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật tốt nhất.
Thế Kha