Chàng trai 9X bỏ việc giảng viên, kiếm tiền từ thiết kế nhà mini từ gỗ vụn
(Dân trí) - Nhờ tận dụng những mảnh gỗ thừa tại xưởng mộc, anh Hồ Đăng Lễ đã thiết kế được nhiều mô hình nhà, tiểu cảnh đẹp mắt, có giá trị sử dụng.
Anh Hồ Đăng Lễ (sinh năm 1991, họa sĩ tự do làm việc tại Bình Dương), xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc. Vì vậy, từ nhỏ, anh Lễ đã có cơ hội tiếp xúc với gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Trước đây, anh Đăng Lễ là giảng viên dạy mỹ thuật ở TPHCM. Năm 2019, chàng trai 9X nghỉ việc, bắt đầu theo đuổi nghề mộc và các sản phẩm trang trí làm bằng gỗ vụn.
Anh chia sẻ: "Tôi có khoảng thời gian khá dài phụ gia đình làm mộc, nên có nhiều trải nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp từ gỗ. Tôi nhớ phần gỗ thừa không sử dụng thường sẽ bị bỏ làm củi đun bếp".
Sau khi được học tập, làm việc ở lĩnh vực mỹ thuật, tìm hiểu về văn hóa của Nhật Bản và các nước Bắc Âu, anh chàng có cái nhìn khác hơn về "cái đẹp", cảm thấy tiếc phần gỗ bị bỏ đi. Từ đó, anh Lễ nảy ra ý tưởng tận dụng mảnh gỗ vụn để tạo nên các sản phẩm handmade.
"Với tôi, cái đẹp không chỉ tồn tại ở sự hoàn chỉnh, bóng bẩy mà có ở những thứ vụn vặt, xù xì, sứt mẻ, mục nát. Bên trong chúng vẫn tồn tại vẻ đẹp riêng nếu ta biết bóc tách và nâng tầm lên", anh Lễ bày tỏ.
Thời gian đầu, anh Đăng Lễ tham khảo cách làm các sản phẩm được chế tác từ gỗ trên mạng. Chàng trai 9X nhận thấy các nước phương Tây tận dụng gỗ vụn làm các sản phẩm thủ công đẹp và giàu tính thẩm mỹ, trong đó có tiểu cảnh.
Ngoài tận dụng nguyên liệu từ xưởng mộc của gia đình, anh còn thu nhặt thêm cành cây khô, mảnh gỗ bỏ đi ngoài đường...
"Sự đa dạng, mang tính ngẫu nhiên khiến tôi thích thú và có tư duy sáng tạo nhiều hơn. Hơn hết, điều đó làm nên sự độc đáo và khác biệt, vì vậy mỗi tác phẩm có thể gọi là duy nhất", anh Lễ cho hay. Để hoàn thiện một sản phẩm hoàn chỉnh mất trung bình từ 2-8 tiếng đồng hồ, tùy theo kích thước và quy mô.
Công đoạn đầu tiên là lên ý tưởng về bối cảnh và lựa chọn kết hợp phần phôi gỗ, sau đó sẽ tiến hành gia công: cắt, làm sạch các phôi gỗ. Tiếp đến, anh Lễ thực hiện tạo hình từng phần của tiểu cảnh: nhà cửa, cây cối, núi non… bằng cách gọt giũa, lắp ghép các phôi gỗ với nhau, tô vẽ thêm các chi tiết, có thể kết hợp với vải, nhựa, sắt. Cuối cùng là bước sắp xếp các phần theo ý tưởng, nhấn nhá thêm màu sắc cho sản phẩm.
Anh Đăng Lễ cho biết: "Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là tạo hình từng thành phần của tiểu cảnh. Các sản phẩm được làm từ gỗ vụn có hình dáng và kích thước ngẫu nhiên nên phải suy nghĩ làm sao có thể tạo ra các chi tiết phù hợp nhất. Tiểu cảnh có đẹp hay không là ở bước này".
Phần lớn, các sản phẩm anh Lễ lấy ý tưởng từ đời sống con người: căn biệt thự sân vườn, ngôi nhà nhỏ ven sông, ngọn hải đăng trên đảo, góc phố cũ rêu phong…
"Tuy nhiên, tiểu cảnh tôi làm chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng, không giống như cảnh thật. Phần tỷ lệ, cấu trúc, hình dáng, màu sắc… đều là sản phẩm từ trí tưởng tượng của bản thân, không dựa trên một hình mẫu có sẵn nào cả", anh Lễ cho biết thêm.
Ngoài tiểu cảnh, chàng trai 9X còn làm thêm các sản phẩm khác từ gỗ vụn: tranh treo tường, bình hoa trang trí, móc treo…Hiện tại, anh Lễ đã làm được gần 50 tiểu cảnh từ gỗ vụn. Các sản phẩm này có giá dao động từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy theo kích thước, thời gian hoàn thành và mức độ phức tạp.
Công việc sáng tác tranh và sản phẩm handmade từ gỗ vụn đều được anh Đăng Lễ lấy cảm hứng từ tình yêu với phong cảnh thiên nhiên. Các sản phẩm tiểu cảnh mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và nhẹ nhàng, bình yên. Với anh Lễ, đây là nơi thể hiện một góc nhìn khác về cái đẹp đến từ sự không hoàn hảo.
Anh Đăng Lễ chia sẻ: "Tôi muốn truyền tải thông điệp về việc tận dụng, tái chế những vật dụng bỏ đi để phục vụ cho đời sống, tránh sự lãng phí, đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, tôi sẽ làm thêm nhiều tiểu cảnh với những đề tài, cách thể hiện mới để các sản phẩm được đa dạng, phong phú, độc đáo hơn".