1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sài Gòn sau 0h:

"Chẳng có nghề nào bẩn như nghề này..."

(Dân trí) - Vừa phân loại đống đồ nhựa vừa nhặt được, ông Luật vui vẻ cho biết: “Tôi và vợ vào Sài Gòn nhặt rác gần 15 năm rồi. Chẳng có nghề nào bẩn như nghề này chú ạ. Suốt đêm chúng tôi phải bới móc rác rưởi nên người lúc nào cũng hôi thối”.

Cực nhọc và hiểm nguy…

Hằng đêm, hai vợ chồng ông Đinh Văn Luật (45 tuổi) và bà Đinh Thị Loan (40 tuổi) quê Thái Nguyên lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng để mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Địa bàn của họ là các bãi rác công cộng, bãi rác tự phát khắp hai quận Tân Bình và Tân Phú.

Cứ 20 giờ đêm hai vợ chồng lại dắt xe đạp ra khỏi khu trọ, chia hai ngả đến các bãi rác để mưu sinh, bất chấp trời mưa hay gió. Với chiếc gậy chọc rác, họ lật tung từng đống rác lớn nhỏ để tìm kiếm những thứ có thể bán lấy tiền. Họ cần mẫn như những con cò đêm, lần mò hết chỗ hôi thối này đến chỗ hôi thối khác. Đến 3 giờ sáng, hai vợ chồng lại quay về bãi đất trống trước chợ Hoàng Hoa Thám để phân loại rồi thuê xe chở đến các đại lý phế liệu bán.

Ông Đinh Văn Luật làm nghề nhặt rác đêm để nuôi 4 đứa con
Ông Đinh Văn Luật làm nghề nhặt rác đêm để nuôi 4 đứa con

Vừa phân loại đống đồ nhựa vừa nhặt được, ông Luật vui vẻ cho biết: “Tôi và vợ vào Sài Gòn nhặt rác gần 15 năm rồi. Chẳng có nghề nào bẩn như nghề này chú ạ. Suốt đêm chúng tôi phải bới móc rác rưởi nên người lúc nào cũng hôi thối”.

Bà Loan góp lời: “Lúc đầu thức đêm không quen nên buồn ngủ lắm, đạp xe nhiều nên hai chân lúc nào cũng đau nhức. Có lúc ngửi mùi hôi thối từ bãi rác tôi nôn mửa liên tục, nghĩ lại vẫn ớn”.

Bà Đinh Thị Loan, vợ ông Luật cùng chồng phân loại rác sau môt đêm nhặt khắp thành phố
Bà Đinh Thị Loan, vợ ông Luật cùng chồng phân loại rác sau môt đêm nhặt khắp thành phố

Nghề nhặt rác đã khổ, nhặt rác đêm còn cơ cực hơn nhiều. Do phải làm việc vào buổi tối nên khó nhìn đường, việc đứt tay, đứt chân, đạp mảnh thủy tinh là chuyện hết sức bình thường.

Bà Nguyễn Thị Hằng (59 tuổi, quê Bắc Giang) kể: “Làm nghề này chuyên phải bới các bãi rác, bao rác dọc đường nên thường xuyên hít thở mùi hôi thối. Hầu như ai làm nghề này cũng bị viêm phổi với viêm xoang. Tôi bị viêm xoang hơn 20 năm nay và càng ngày càng nặng nhưng không đủ tiền chữa”.

Còn bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi, quê Bình Định) thì sợ nhất là tai nạn trên đường. Giữa đêm khuya vắng lặng, thường khi bị tai nạn cũng chẳng mấy ai biết mà cứu giúp.

Sau hơn 5 tháng nằm nhà sau lần bị tông xe, bà vẫn còn bàng hoàng: “Đêm đó cũng gần 4 giờ sáng, khi tôi đi nhặt được đầy túi rác và đang trên đường đạp xe về thì có chiếc xe máy say xỉn tông thẳng vào. Tôi ngất xỉu không biết gì. Cũng may sau đó có người đi đường phát hiện đưa vào bệnh viện. Khi tỉnh lại bác sĩ nói tôi bị gãy xương chậu”.

Cám cảnh hơn, khi nghe bác sĩ thông báo phải đóng hơn 10 triệu để phẫu thuật mới khỏi hẳn thì bà lại xin về nhà tự mua thuốc chữa vì không đủ tiền phẫu thuật.

“Sau hơn 5 tháng nằm ở nhà đến nay tôi mới đi làm lại được. Tuy vậy, xương chậu vẫn đau nên tôi vẫn chưa thể cúi sâu người để nhặt rác được. Tôi già rồi, đi làm đêm hôm nên cũng bị tông xe vài lần nhưng lần này là nặng nhất. Giờ cứ nghe tiếng xe máy phía sau là tôi phải nép hẳn vào lề đường vì sợ”, đến giờ bà vẫn còn sợ hãi khi nhắc lại tai nạn ấy.

Bà Hằng cũng góp lời: “Tôi cũng đạp phải kim tiêm, thủy tinh hoài nhưng chỉ bị vết thương ngoài da vài ngày là khỏi. Cái nghề này nó vậy, làm là phải chấp nhận thôi!”.

Với bà Nguyễn Thị Lan, ám ảnh lớn nhất là tai nạn trên đường mưu sinh
Với bà Nguyễn Thị Lan, ám ảnh lớn nhất là tai nạn trên đường mưu sinh

…Nhưng chẳng thể bỏ nghề

Nguy hiểm là thế, vất vả là thế nhưng những người nhặt rác đêm vẫn cần mẫn mưu sinh hết ngày này qua năm khác. Đối với họ, hôi thối, mệt nhọc, nguy hiểm hầu như đã trở nên quen thuộc, phải đối mặt để có miếng cơm, manh áo, cái chữ cho con cháu…

Ông Luật cho biết: “Hai vợ chồng tôi có 4 đứa con nhưng phải gửi ngoài quê để vào đây làm ăn. Ở quê chỉ trông vào mấy sào ruộng không đủ ăn. Vào đây làm tuy vất vả nhưng con cái cũng có cái ăn cái mặc. Mỗi tháng hai vợ chồng tiết kiệm cũng được 2, 3 triệu gửi về quê cho mấy đứa ăn học”.

Bà Loan cũng chen lời: “Vào đây làm mấy năm mới về quê một lần nên cũng nhớ con lắm. Hai đứa sau nhà tôi sinh ở trong này, khi được hơn một tuổi là gửi về quê cho ông bà nội chăm. Mỗi lần về quê nghe tụi nó nói muốn ở với bố mẹ, muốn bố mẹ đưa đi học, muốn được ngủ với bố mẹ tôi lại rớt nước mắt. Biết tụi nhỏ cũng nhớ bố mẹ lắm nhưng mình mà đưa tụi nó vào đây mình không đủ tiền lo cho tụi nó thì tội lắm!”.

Họ phải bám trụ cái nghề cực nhọc và hiểm nguy này vì miếng cơm, manh áo và cái chữ cho con cháu
Họ phải bám trụ cái nghề cực nhọc và hiểm nguy này vì miếng cơm, manh áo và cái chữ cho con cháu

Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Hằng thì khác. Bà gắn bó với cái nghề này từ rất lâu rồi. Bà kể: “Tôi không biết chữ, đi xin việc không ai nhận nên đành gắn với nghề nhặt rác đêm hơn 30 năm nay. Ngày trước tôi nhặt rác ngoài Hà Nội nhưng được bạn bè giới thiệu vào Nam thu nhập cao hơn nên tôi vào được 5 năm rồi”.

Bà làm lâu đến nỗi bây giờ ngoài nghề nhặt rác bà chẳng biết làm gì. Dù bệnh viêm phế quản kinh niên nhưng bà vẫn không thể bỏ nghề. Bà bảo: “Bác sĩ cũng khuyên nên chuyển nghề vì cứ tiếp tục làm thì bệnh không khỏi được, nhưng giờ già rồi biết làm gì khác?”.

Còn với những người lớn tuổi, ít học như bà Lan, bà Hằng, nghề này ít ra còn cho họ được miếng cơm qua ngày
Còn với những người lớn tuổi, ít học như bà Lan, bà Hằng, nghề này ít ra còn cho họ được miếng cơm qua ngày

Còn với ông Luật và bà Loan, sự học của con cái khiến ông bà chẳng thể bỏ nghề. Dù cái nghề này cực nhọc nhưng ít ra ông bà còn dành dụm được chút ít gửi về quê lo cho các con ăn học. Đối với ông bà, cực nhọc chẳng xá gì, chỉ lo không kiếm đủ tiền cho con ăn học.

Ông Luật nói: “Năm sau con gái lớn nhà tôi cũng thi vào đại học, không biết có đủ tiền để lo cho nó học hay không nữa. Đời tôi nghèo khổ từ nhỏ, không được học hành nên thiệt thòi nhiều, mong sao con cái mình ăn học đến nơi đến chốn cho tụi nó bớt khổ…”.

“Đời mình nghèo khổ quen rồi, để tụi nhỏ khổ nữa là mình có lỗi với tụi nó. Mong sao mấy đứa nhà tôi ngoan ngoãn, học giỏi để sau này có công việc ổn định là vợ chồng tôi thỏa mãn. Mình nghèo đói cỡ nào mình cũng chấp nhận!”, chị Loan đồng tình nhưng giấu nổi vẻ lo lắng.

Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm