Chân dung ông Tổng Giám đốc “chơi ngông”
(Dân trí) - Cuối cùng thì 2 lãnh đạo Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (VTNN) cũng phải tra tay vào còng với tội danh cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên những sai phạm của Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh vẫn còn là câu chuyện dài.
Mỗi năm cưỡi hết 600 con bò
Theo con số thống kê, chỉ tính riêng tiền thuê chiếc xe Mercedes mà TGĐ Trần Văn Khánh sử dụng trong vòng 3 năm 2003-2006 đã phải trả với số tiền 1,8 tỉ đồng. Theo quy định chức vụ này chỉ được phép sử dụng xe mua với giá cao nhất là 600 triệu đồng và phải sử dụng trung bình là 8 năm.
Như vậy, tính trung bình mỗi năm ông Khánh đã “đi hết” một xe tương đương 600 triệu đồng nên nhiều người đã ví von rằng, vị TGĐ này cưỡi hết 600 con bò của người dân.
Ngoài ra, trong 2 năm 2002 và 2003 ông Khánh cũng thuê 2 chiếc xe xịn khác là Camry và Land Cruiser với tổng số tiền quyết toán là hơn 1 tỉ đồng. Cộng với số tiền thuê xe của 4 hợp đồng, từ năm 2003-2006 là khoảng trên 6 tỉ đồng.
TGĐ Khánh đã dùng nhiều “đòn” để hợp thức hoá hồ sơ những số tiền trên hòng qua mặt các cơ quan chức năng. Cụ thể, hơn 1 tỉ đồng tiền thuê 2 chiếc xe Camry BKS: 29S: 09... và Land Cruiser BKS: 29S:39... năm 2002-2003 đã được chỉ đạo biến tấu bằng cách mua các thiết bị công tác phòng hành chính.
Đặc biệt, trong số những xe mà Trần Văn Khánh thuê còn có một chiếc xe Mercedes Benz 420 BKS: 60... của Thuyết “Chăn Voi” - trùm chạy án trong đường dây Năm Cam, hiện tại vẫn đang cải tạo trong trại. Chiếc xe này được vợ cũ của Thuyết đứng tên mua bán với một doanh nghiệp tư nhân ngày 28/10/2005 nhưng Trần Văn Khánh lại cho rằng chiếc xe này được thuê của doanh nghiệp từ tháng 11/2004 đến tháng 6/2006 với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Biến nhà công thành nhà riêng
Tổng Công ty VTNN (có trụ sở tại số 16 phố Ngô Tất Tố - Hà Nội) được giao vốn là 270 tỉ đồng với nhiệm vụ nhập khẩu kinh doanh phân bón hoá học, điều tiết bình ổn giá cả phân bón trên thị trường. Nhưng nhiều năm nay nhà nước đã phải bù lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Theo tài liệu và những chứng cứ cụ thể của một vị cán bộ tại Tổng Công ty này gửi cho Dân trí, trong năm 2006 VTNN chỉ sản xuất duy nhất có một lô hàng và từ đầu năm 2007 đến nay không hề kinh doanh một tấn phân bón nào, cho dù đây là nhiệm vụ chính.
Một vấn đề điển hình khác là việc quản lý, sử dụng khách sạn 120 Quán Thánh (Hà Nội). Nằm ở vị trí đắc địa (hai mặt phố Quán Thánh và Cửa Bắc) cao 11 tầng trên diện tích đất khoảng trên 3.000m2, trang thiết bị hiện đại tương đương khách sạn 3 sao.
Sau khi tiếp nhận của Công ty Đầu tư tiếp thị, TGĐ Trần Văn Khánh đã đầu tư trên 2 tỉ để sửa chữa, nâng cấp nhưng trong hợp đồng (ngày 20/10/2004) cho thuê khách sạn giữa VTNN với Công ty TNHH TM DL Thành Lợi với giá chỉ có 50 triệu đồng/tháng, chưa bằng giá thuê xe của ông Khánh đối với Thành Lợi (52 triệu đồng/tháng).
Sau khi thuê được khách sạn với giá “quá bèo”, Công ty Thành Lợi đã tự sửa chữa các trang thiết bị trong khách sạn với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là số tiền này lại chính VTNN phải đứng ra thanh toán (?!).
Đến tháng 8/2006 VTNN mới điều chỉnh mức giá cho thuê khách sạn là 350 triệu/tháng. Vì thế dư luận mới đặt câu hỏi, trong một thời gian dài cho thuê khách sạn với giá bèo như vậy thì thiệt hại về kinh tế là bao nhiêu? Số tiền này rơi vào túi ai?
Trước đó, tháng 5/1994, sau khi được bổ nhiệm TGĐ, ngay lập tức ông Khánh đã gấp rút cho xây dựng nhà khách của VTNN với diện tích khoảng 200m2 (trên nóc nhà 2 tầng tập thể cũ với trị giá tiền xây dựng trên 500 triệu đồng) với mục đích để đón tiếp khách đến công tác.
Tuy nhiên nhà khách vừa xây dựng xong, chưa một lần đón khách, ông Khánh đã biến nó thành nhà riêng của mình và dọn đến ở. Đến năm 2002 ông Khánh đã hợp thức việc mua lại nhà khách này theo Nghị định 61.
Với rất nhiều tồn tại yếu kém tại VTNN đã được các cán bộ ở đây cung cấp cho Dân trí cho thấy đây có dấu hiệu của một vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên mọi vấn đề vẫn phải chờ sự kết luận của cơ quan chức năng sau cuộc “đại phẫu”.
Tuấn Hợp