1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chặn đứng nạn “bè phái thân quen”

Thực hiện chủ trương không bố trí người địa phương làm lãnh đạo ở một số chức danh sẽ chặn nhiều kẽ hở phát sinh tiêu cực.

Theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một trong những yêu cầu và nội dung cơ bản trong công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy là thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND và cán bộ cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không phải là người địa phương. Chủ trương này nhằm hạn chế những tác động không mong muốn của mối quan hệ họ hàng, người quen và tạo điều kiện cho cán bộ tự rèn luyện mình. Pháp Luật TPHCM có cuộc trò chuyện đầu tuần với ông Nguyễn Kim Đĩnh, nguyên chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam, xoay quanh vấn đề này.

 

Chặn nạn “dây mơ rễ má”, “ô dù”

 

Phóng viên: Thưa ông, chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương đã triển khai thực hiện trước đó ở một số địa phương và đơn vị. Và đến đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng tới đây, điều này rất được chú trọng trong công tác nhân sự. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

 

 

Ông Nguyễn Kim Đĩnh

Ông Nguyễn Kim Đĩnh.

Ông Nguyễn Kim Đĩnh: Việc luân chuyển cán bộ xuất phát từ đề xuất của ông Trần Đình Hoan, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương (nhiệm kỳ 2001-2006). Đề xuất của ông được nhiều người ủng hộ vì phù hợp với yêu cầu lúc bấy giờ là vừa hạn chế mối quan hệ họ hàng, người quen và nhằm mục đích rèn luyện cán bộ lãnh đạo. Đến lúc này ta mới tập trung chú trọng thực hiện chủ trương này tuy hơi chậm nhưng đáp ứng đúng đòi hỏi của lòng dân, hạn chế tối đa những nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng sinh ra từ tình trạng quan hệ kiểu “dây mơ rễ má”, “ô dù”.

 

Ông nhìn nhận thế nào về những hệ lụy từ việc bố trí lãnh đạo là người sinh ra và lớn lên ở địa phương đó?

 

Hệ lụy thì đã nhìn thấy rõ từ việc lâu nay anh vẫn bố trí lãnh đạo là người địa phương giữ các chức vị chủ chốt như bí thư, chủ tịch. Hầu hết các vị khi nắm chức này đều đưa con em, dòng họ của mình vào các vị trí cao của bộ máy, làm nảy sinh “nhóm lợi ích”, dẫn đến nhiều tiêu cực, tham nhũng và độc đoán chuyên quyền.

 

Những tiêu cực phát sinh trong bố trí lãnh đạo là người địa phương còn thể hiện ở tình cảm riêng tư, tính địa phương cục bộ qua việc xem nhẹ tiêu chuẩn và chất lượng nhân sự. Nó cũng tạo ra khe hở để những kẻ cơ hội tìm mọi thủ đoạn, kể cả việc mua quan bán chức luồn lách vào hệ thống lãnh đạo nhằm loại những người tài năng, bản lĩnh và tâm huyết.

 

Chính cách bố trí cán bộ như thế cũng sinh ra tình trạng nể nang, né tránh và hoạt động công vụ không hiệu quả, không đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí công việc.

 

Ông Nguyễn Kim Đĩnh

Thực hiện chủ trương không bố trí người địa phương vào một số chức danh lãnh đạo là nhằm tránh hiện tượng cục bộ, dây mơ rễ má”, tạo điều kiện cho cán bộ tự rèn luyện mình. Trong ảnh: Các cán bộ trả lời chất vấn trong một cuộc họp HĐND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

 

Mạnh dạn đổi mới từ yêu cầu của lòng dân

 

Thưa ông, trước đòi hỏi từ tình hình thực tiễn hiện nay, ngoài chủ trương trên, công tác tổ chức cán bộ cần có những đổi mới phù hợp nào khác?

 

Đảng muốn lãnh đạo thành công phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Qua các giai đoạn, vai trò này không thay đổi nhưng hình thức, phương pháp… cần thay đổi cho phù hợp. Thời bao cấp, Đảng lãnh đạo tập trung trực tiếp dẫn đến “quy hoạch cứng” - công tác tổ chức cán bộ là một trong những chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Nhưng sang nền kinh tế thị trường vận hành theo các quy luật cung-cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh cho nên Đảng phải đổi mới phương pháp tổ chức cán bộ cho phù hợp với các quy luật ấy.
 

Thời chiến tranh và bao cấp, Đảng quyết định từ A đến Z, tức là hằng năm phân bổ chỉ tiêu số lượng cán bộ từng cấp ra sao và quyết định ai sẽ giữ cương vị gì, do yêu cầu của thời cuộc. Hiện nay Đảng cần đóng vai trò định hướng thông qua chiến lược tổ chức cán bộ, đào tạo và tạo nguồn, còn lại giao cho người đứng đầu cấp ủy các cấp được quyền tuyển chọn cán bộ trên cơ sở định hướng của trung ương. Tuy nhiên, cấp ủy các cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về những hành động mà cán bộ cấp dưới do mình tuyển chọn làm sai.

 

Thưa ông, nạn chạy bằng dỏm, bằng giả cho hợp với các chức danh đang gây ra những nhức nhối trong dư luận hiện nay, theo ông, cần có giải pháp gì để chặn hiện tượng này?

 

Ngay khâu đào tạo cũng phải đổi mới vì hiện nay vẫn còn đào tạo ngược, tức là tuyển chọn, bố trí rồi mới đào tạo. Trong khi đó quy trình thuận là cần phải tuyển chọn, đào tạo rồi mới bố trí, bổ nhiệm. Phải như thế để hạn chế tình trạng học đối phó, học bằng dỏm, bằng giả, mua bằng cấp để thích hợp với chức danh mình làm.

 

Nhìn chung qua gần 30 năm đổi mới, hệ thống tổ chức vẫn còn sự chồng chéo, tập trung quan liêu; có nhiều vị trí lãnh đạo quản lý kém hiệu quả tạo nhiều khe hở để các quan tham trục lợi, tham nhũng khắp các lĩnh vực, làm người dân mất lòng tin. Vì thế chúng ta cần phải mạnh dạn đổi mới phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới và yêu cầu từ lòng dân.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Lãnh đạo phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức

 

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ quy định trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiêu chuẩn cụ thể trong từng chức danh cán bộ.

 

Trong đó cần nhấn mạnh tiêu chuẩn về lập trường chính trị; năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng tiếp cận, nắm bắt xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ cán bộ; phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; minh bạch, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; không tham ô, tham nhũng; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham ô, tham nhũng,...

 

Lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn và sự cống hiến, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy cấp dưới.

 

Không cơ cấu vào cấp ủy những đồng chí không gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm..

 

(Trích trả lời của ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trên báo Tin Tức ngày 21-8)

 

Theo Tá Lâm
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm