1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chấn chỉnh “thị trường bát nháo” trong liên kết xuất bản

(Dân trí) - Phiên thảo luận tại hội trường về Luật Xuất bản ngày 27/10, Quốc hội bàn về việc nới quy định, mở rộng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động xuất bản cũng như giải pháp “buộc” trách nhiệm các bên trong quá trình liên kết xuất bản.

Theo dự thảo luật, đối tượng được thành lập nhà xuất bản là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp Trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập cấp Trung ương và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Để một nhà xuất bản ra đời và hoạt động, dự luật quy định cơ quan chủ quản có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển mạng nhà xuất bản; có người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản và có ít nhất 5 biên tập viên; có trụ sở hoạt động, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác... 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng với các điều kiện như trên dễ gây ra sự “nở rộ” thành lập các nhà xuất bản, khi các điều khoản quy định chưa chặt chẽ, đặc biệt là quy định chung chung về tiêu chuẩn của biên tập viên nhà xuất bản.

Đại biểu nêu thực tế, có nhà xuất bản chỉ tồn tại nhờ bán giấy phép xuất bản cho các đối tác liên kết, có nhà xuất bản sở hữu từ 70- 90% sản phẩm xuất bản liên kết. Do vậy, khi thành lập nhà xuất bản dễ dàng nhưng việc kiểm soát hoạt động không kịp thời, dễ gây ra lãng phí. Hiện cả nước có 64 nhà xuất bản, đa phần do nhà nước bao cấp nhưng mỗi năm chỉ đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.

Chung băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng) kiến nghị không nên tách việc thành lập nhà xuất bản và cấp phép hoạt động xuất bản thành hai khâu khác nhau để tránh xảy ra tình trạng nhà xuất bản thành lập rồi, khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới xem có đủ điều kiện hay không để cấp giấy phép hoạt động.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có ưu đãi cân bằng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sản phẩm xuất bản. Các đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề xuất bổ sung vào dự thảo luật quy định tiêu chuẩn đối với biên tập viên tại các nhà xuất bản phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về xuất bản để đảm bảo chất lượng mỗi sản phẩm.

“Hiện nay, tình trạng liên kết xuất bản diễn ra tràn lan, nhiều trường hợp cơ quan quản lý nhà nước và nhà xuất bản tham gia liên kết không nắm được nội dung ấn phẩm. Cần quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc nhà xuất bản trong việc việc liên kết xuất bản để hạn chế tình trạng liên kết xuất bản lộn xộn như hiện nay” - đại biểu Nguyễn Thu Anh nói.

Nhằm mở rộng sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, quan điểm của Thường vụ Quốc hội là cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay, cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát).

Trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng gật đầu với quan điểm siết chặt về vấn đề liên kết xuất bản, phải quy định trách nhiệm của tổng giám đốc nhà xuất bản theo hướng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra liên kết xuất bản có sai phạm.
 

Luật Xuất bản lần này quy định một chương riêng liên quan đến xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử góp phần điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động này. Theo đó, nhà xuất bản điện tử là nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên thiết bị số, môi trường mạng.

Dự thảo Luật quy định, đối tượng được thành lập nhà xuất bản điện tử là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị-xã hội cấp trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định.

Dự thảo luật cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng, v.v...) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.

P.Thảo