“Chấn chỉnh lễ tiết, tác phong của CSGT trong xử lý vi phạm”
(Dân trí) - Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng Cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí xung quanh các vụ việc chống lại người thi hành công vụ, nhất là chống lại cảnh sát giao thông trong thời gian vừa qua.
Thưa ông, rất nhiều vụ việc chống lại người thi hành công vụ, nhất là chống lại cảnh sát giao thông đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Có thể kể đến những vụ việc như hất cảnh sát giao thông lên capo xe rồi chửi mắng, thậm chí là đánh lại cảnh sát giao thông... Ông có ý kiến gì về những vụ việc này?
Theo thống kê, số vụ việc chống người thi hành công vụ nói chung trong 6 tháng vừa qua tăng không nhiều, nhưng tính chất phức tạp. Riêng số vụ chống lại lực lượng công an có dấu hiệu tăng lên một chút, đặc biệt là chống lại lực lượng cảnh sát công khai, trong đó có cảnh sát giao thông.
Thứ hai, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát công khai cũng có những xử lý chưa đúng quy trình, quy định, tác động đến tâm lý của người vi phạm, dẫn tới hậu quả là người vi phạm chống lại.
Ông có ý kiến gì khi trong các vụ việc chống lại cảnh sát giao thông gần đây có cả những người là Phó phòng Tư pháp huyện, thậm chí là cảnh sát cơ động?
Việc gia tăng số lượng các vụ chống lại cảnh sát giao thông và việc có cả những người đang công tác trong các cơ quan nhà nước, trong ngành công an chống lại cảnh sát giao thông cũng khiến nhiều người đặt vấn đề, quy trình xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông phải được tuân thủ nghiêm ngặt hơn?
Có thể nói, theo thống kê, vi phạm giao thông trong toàn quốc rất nhiều và tuyệt đại đa số đều xử lý rất nghiêm, rất đúng. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định, nhỏ thôi, trong quá trình xử lý thì quy trình, cách ứng xử của cảnh sát giao thông chưa đúng quy định, làm cho những người vi phạm cũng bức xúc cho nên có thái độ không đúng.
Bộ cũng nhấn mạnh việc chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, quy trình xử lý của lực lượng cảnh sát, trong đó đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông trong xử lý vi phạm. Bộ yêu cầu xem xét lại tất cả các quy trình, quy định trong quá trình xử lý vi phạm và trên cơ sở đó chấn chỉnh những quy trình quy phạm này đảm bảo khi xuất hiện sai phạm thì xử lý nghiêm và cán bộ công an phải giữ được phẩm chất đạo đức, những quy trình trong quá trình xử lý.
Với những người chống lại người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông thì tập trung điều tra, xử lý một cách nghiêm minh, xử lý sớm để chấn chỉnh, giáo dục chung…
Trở lại vụ cảnh sát cơ động tấn công cảnh sát giao thông tại TP.HCM, có những thông tin cho rằng, cảnh sát giao thông đã đánh người vi phạm trước nên mới bị đánh lại. Theo ông, phải xử lý thế nào trong trường hợp thông tin trên là đúng?
Về vụ việc này, hiện lãnh đạo Bộ công an đã có ý kiến chỉ đạo và Công an TP.HCM đang xem xét xử lý. Khi đã làm rõ đúng sai thế nào chúng ta mới có căn cứ trả lời một cách khách quan.
Nếu phát hiện cảnh sát giao thông sai phạm thì phải xử lý. Mức độ sai phạm đến đâu, phải xử lý đến đó. Đó là nguyên tắc.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)