1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phá rừng, đào vàng trong vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã:

Chạm trán “vàng tặc” trên đỉnh núi

(Dân trí) - Bên cạnh các gốc cây và thân cây bị chặt phá, trên đỉnh núi lộ ra nhiều lỗ đất to nhỏ cùng các hầm vàng khoét sâu. Đó là dấu hiệu của “vàng tặc” đang trú ẩn ngày đêm ở vùng lõi VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế).

Truy tìm “vàng tặc”
 
Chúng tôi thực hiện hành trình đầy khó khăn lên đỉnh núi Đằm Cỏ với độ cao chừng 800 mét, cách hiện trường phá rừng chừng hơn 1 tiếng đi bộ và leo dốc đứng. Lên tới đỉnh núi, quả nhiên chúng tôi đã chạm mặt “vàng tặc”. Các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy hoặc nhảy vào bụi rậm rồi biến mất, bỏ lại la liệt dụng cụ khai thác vàng như đục, cuốc, xẻng, ống nước, máng đãi...

Kỳ 2: Chạm trán vàng tặc trên đỉnh núi
Dấu vết những lỗ khai thác vàng trên đỉnh núi.

Tại hiện trường này, chúng tôi thấy có hàng chục lỗ nhỏ to nhỏ khác nhau chi chít; đây là các hố “thám sát”, nghĩa là đào xuống ở một độ sâu nhất định xem có vàng hay không rồi mới khai thác. Bên cạnh đó có 4 đến 5 hố to là nơi khai thác vàng chính và 1 hố vuông để lắng đọng vàng.

Những hố khai thác vàng chính sâu đến 7-8m, có một số ngách phụ ở dưới. Bên cạnh đó, có những hố đào xuống và rẽ ngang sâu vào trong lòng núi chỉ đủ 1 người chui lọt. Chính những hố sâu này đã phá vỡ kết cấu địa chất của lòng núi.

Một lỗ vàng vừa mới đào với dấu đất còn rất mới


Ngoài những hố vàng mới, có khá nhiều hố vàng cũ chứng tỏ việc khai thác vàng ở tại vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã đã diễn ra khá lâu.

Sau một hồi nghe ngóng, biết chúng tôi không phải là cán bộ kiểm lâm, các đối tượng đã quay trở lại dọn sạch vật dụng. Một người dân chăn trâu khu vực phía ngoài rừng cho biết: “Một đoàn đi khai thác vàng có khoảng 5-6 người. Mỗi lần khai thác cũng được tầm 5 cây vàng. Họ đem lương thực ăn uống, và ở lại trên đó luôn không về. Trời mưa làm gỗ, trời nắng họ làm vàng”.


 

Lâm tặc tự do vào rừng, phóng viên phải xin phép?

Từ cuối năm 2012, báo chí đã ghi nhận các trường hợp phá hoại VQG Bạch Mã ở vùng đệm bên ngoài. Đến nay, hoạt động phá hoại này không hề giảm mà còn lấn sâu vào vùng lõi VQG Bạch Mã - nơi đáng lẽ phải được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt bởi các cơ quan, lực lượng quản lý rừng.

Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bạch Mã, trong buổi trao đổi mới đây với nhóm phóng viên, có nêu yêu cầu: “Các anh vào rừng phải xin phép, nếu không có thể bị xử phạt”. Phóng viên hỏi ngược lại: “Báo chí vào phải xin phép, còn lâm tặc, vàng tặc không cần xin phép vẫn vào tận vùng lõi phá rừng?”. Ông Kéo im lặng rồi phân trần: Nếu báo chí thông báo và đi cùng kiểm lâm vào rừng sẽ đỡ nguy hiểm hơn.


Báo chí vào rừng phải xin phép - Ông Huỳnh Văn Kéo, GĐ VQG Bạch Mã
Ông Huỳnh Văn Kéo trong buổi trao đổi với phóng viên

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Có hay không tình trạng phá rừng và đào vàng trái phép trong VQG?”. Thay mặt giám đốc, ông Lê Văn Tự, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bạch Mã, cho hay, về phá rừng thì từ năm 2012 đến nay chỉ có... 1 vụ. Lâm tặc làm thủ công, cưa thành các phách gỗ nhỏ để vận chuyển bằng thuyền qua hồ Truồi. “Không có phá rừng mức độ lớn. Việc khai thác lâm sản trái phép đã giảm” (!?) - ông Tự nói.
 
Về khai thác vàng, cơ quan đã phát hiện, lập biên bản xử lý 2 vụ vào ngày 12/1 và ngày 13/2 năm 2013 tại khu vực Khe Mù. Phạt 3 đối tượng ở vụ 1 với mức phạt 1 triệu đồng/người, vụ 2 phạt 2 người, mỗi người 1,5 triệu đồng.

 
Nhóm phóng viên liền đưa ra những bằng chứng chứng minh vùng lõi rừng Bạch Mã đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi lâm tặc và vàng tặc, ông Kéo liền đứng dậy “lớn tiếng” với cấp dưới: “Giờ tôi đặt mình vào vị trí nhà báo. Các cậu trả lời tại sao nhà báo vào thấy nhưng các cậu không thấy?”. “Dạ, chúng em có vào nhưng không thấy nên rút ra”. “Vào mấy ngày?”. “Dạ, một ngày xong trở ra”. “Vậy tôi yêu cầu các anh em vào rừng phải lâu, cả tuần, để trực xem có tình trạng trên không”.

Rồi ông Kéo lại quay sang các phóng viên phân trần: "Việc bảo vệ rừng không đơn giản. Đôi lúc tôi la anh em nhiều. Nhưng việc chảy máu rừng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn các chỗ khác. Dân quá khổ và nghèo, lấy gì mà sống. Mấy anh vào được thì dân cũng vào được. Hàng trăm, hàng ngàn kiểm lâm chúng tôi cũng không quản lý nổi”.

Ông Huỳnh Thế Phương, Trạm trưởng kiểm lâm Lộc Hòa, Phú Lộc (trái) và ông
Ông Kéo (đứng) lớn tiếng mắng nhân viên: "sao nhà báo thấy mà các cậu không thấy?"

Ông Huỳnh Thế Phương, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lộc Hòa, Phú Lộc (thuộc Hạt Kiểm lâm Bạch Mã, nơi xảy ra vụ việc), than vãn: Đơn vị quản lý đến 6 tiểu khu với diện tích hơn 4.000 hecta nhưng chỉ có 8 người, trong đó có 2 người chốt chặn lòng hồ Truồi. Nhưng rất khó kiểm soát vì một số đối tượng vờ là khách du lịch.

Ông Kéo nói thêm, thông tin phóng viên phản ánh, ông sẽ chỉ đạo anh em vào kiểm tra ngay. Nếu đúng có lâm tặc, vàng tặc sẽ truy đuổi hết.

Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Số: 117/2009/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2009)

Điều 26. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và bảo tồn thiên nhiên

4. Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di sản tự nhiên không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

5. Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di sản tự nhiên không đúng quy định về bảo vệ môi trường gây suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái môi trường.



Đại Dương - Anh Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm