"Cha đẻ" của Vườn thực vật gửi đơn kiến nghị tới Bí thư, Chủ tịch Hà Nội
(Dân trí) - Ông Nguyễn Khánh Xuân - "cha đẻ" của Vườn thực vật Hà Nội đã gửi đơn kiến nghị tới Bí thư và Chủ tịch Hà Nội vì chủ đầu tư vườn này không thực hiện đúng mục tiêu của dự án như đã phê duyệt ban đầu.
Ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp - "cha đẻ" của Vườn thực vật Hà Nội (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 3/7/2020, ông đã gửi đơn kiến nghị tới Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với nội dung: Hiện nay, chủ đầu tư Vườn thực vật Hà Nội là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã không thực hiện đúng mục tiêu của dự án như đã phê duyệt ban đầu.
"Chủ đầu tư đã không tổ chức cho khách vào Vườn thực vật Hà Nội để tham quan, học tập, nghiên cứu... nhằm tạo nguồn thu để duy trì và phát triển như mục tiêu đã phê duyệt", ông Xuân nói trong đơn.
Trong đơn ông Xuân viết, với lý do không có kinh phí nên chủ đầu tư đã biến Vườn thực vật Hà Nội thành nơi trồng cây dịch vụ để có nguồn thu như cây xà cừ, dái ngựa, sao đen, lộc vừng... nên việc chăm sóc cây sưu tập ít được quan tâm.
"Tháng 6/2017, tôi và một giáo sư khác đến thăm Vườn thực vật Hà Nội thì thấy hàng nghìn cây keo đã che hết ánh sáng của cây sưu tập trong vườn. Lúc đầu trồng cây keo với mục đích là tạo bóng cho cây sưu tập sinh trưởng, nhưng sau 5-7 năm cây sưu tập phát triển rồi thì phải chặt bớt cây keo đi", ông Xuân viết trong đơn.
Theo ông Xuân, sau đó, chủ đầu tư đã mời nhóm của ông đến vườn nghiên cứu và xác định phải chặt tỉa thưa hơn 3.000 cây keo có đường kính từ 15cm đến 50cm, với tổng khối lượng gần 700m3. Mặc dù, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đồng ý cho chặt số keo này, như chủ đầu tư vẫn chần chừ kéo dài hơn 1 năm sau mới thực hiện, với lý do: Muốn kéo dài thời gian để khối lượng keo càng nhiều càng có lợi về thu nhập mà không nghĩ rằng càng kéo dài thời gian thì cây sưu tập càng kém phát triển.
Hiện nay Vườn thực vật Hà Nội có 304 loài thực vật, trong đó có 26 loài quý hiếm và rất quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam. Đây thực sự là thành công lớn về lĩnh vực sưu tập bảo tồn nguồn gen và loài thực vật quý hiếm.
"Với 304 loài thực vật hiện tại chỉ chiếm khoảng 30% diện tích vủa Vườn thực vật Hà Nội, nên việc phát triển Vườn thực vật lên hàng nghìn loài là rất thuận lợi", nội dung đơn của ông Xuân.
Trước thực trạng nêu trên, ông Xuân kiến nghị: Nếu vẫn để Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thì phải thành lập một đơn vị chuyên về thực hiện nhiệm vụ đúng như mục tiêu của dự án đã phê duyệt mà không phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh của công ty. Đơn vị này có bộ máy quản lý và chuyên môn chỉ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ ở Vườn thực vật Hà Nội với phương châm "lấy nó nuôi nó" mà hoạt động, cho nên dù trực thuộc công ty này nhưng công ty phải tạo mọi điều kiện cho đơn vị này hoạt động đúng hướng khoa học;
Thành lập đơn vị hoạt động độc lập chuyên về Vườn thực vật Hà Nội có thể trực thuộc UBND TP Hà Nội hoặc trực thuộc Sở NN&PTNT để có điều kiện thực hiện nhiệm vụ khoa học bảo tồn đa dạng sinh học.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Quan trọng nhất của Vườn Thực vật Hà Nội là bảo tồn được nguồn gen quý.
"Các hoạt động vui chơi giải trí cho các cháu thì cần có thời gian. Vừa rồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa triển khai được việc này. Phải đến đầu năm học tới chúng tôi mới tổ chức cho các cháu đến tham quan vườn được", ông Tuấn nói.
Ngày 15/12/1997, ông Lương Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 1885/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội (xây dựng mới). Mục tiêu đầu tư xây dựng Vườn thực vật Hà Nội nhằm sưu tầm, bảo quản các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân. Ba năm sau, ngày 8/12/2000, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn đã ký Quyết định số 6780/QĐ-UB phê duyệt bổ sung dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 24,3 tỷ đồng.
7 năm sau, đến ngày 3/10/2007, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký tiếp Quyết định số 3918/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án Vườn thực vật Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 15,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 15,48 tỷ đồng; vốn huy động gần 350 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp, dự án được bắt đầu thực hiện từ năm 1993. Ông cùng các nhà khoa học, các kỹ sư lâm sinh đã lặn lội đi mọi cánh rừng của đất nước để đưa về Vườn thực vật Hà Nội hàng trăm loài thực vật quý hiếm. Sau 16 năm xây dựng, công trình hoàn thành năm 2009 trong sự trân trọng của biết bao nhà khoa học lâm sinh.
Nguyễn Dương