Cây anh túc thoải mái sinh sôi ở thung lũng bản Mường Lống.
Cây anh túc "lấn át" cả vùng đại ngàn
Từ lâu xã Tri Lễ được biết đến như thủ phủ của cây thuốc phiện và buôn bán ma túy của huyện vùng cao Quế Phong (Nghệ An). Sau nhiều năm thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, xóa bỏ cây thuốc phiện khỏi đời sống xã hội, với sự nỗ lực tuyên truyền vận động của các cấp các ngành, những tưởng đồng bào các dân tộc xã Tri Lễ nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện. Thế nhưng, sau nhiều năm biến mất, cây thuốc phiện hay còn được gọi với cái tên "mỹ miều" là cây anh túc vẫn đang xòe hoa rực rỡ giữa đại ngàn Quế Phong.
Bản Mường Lống, xã Tri Lễ, nằm ở sườn đồi trong 1 thung lũng khá rộng. Từ đỉnh dốc của bản đi tiếp về phía bắc hơn một giờ đồng hồ sẽ đến một thung lũng khác rộng chừng 20 ha có tên Huồi Mương. Đây là khu vực làm nương rẫy của đồng bào người Mông các bản Mường Lống và Huồi Xai. Nhưng tại đây, hiện ra trước mắt chúng tôi là những vạt cây anh túc đang sinh sôi bạt ngàn.
Một người dân ở đây cho biết, mùa cây anh túc thường chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Trước đó, họ phải chuẩn bị hạt giống, gieo hạt từ cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, đến khoảng cuối tháng 1 âm thì cây ra hoa, kết quả, cuối tháng 2 âm là thu hoạch. Cây thuốc phiện nếu trồng chỗ ở nơi cao ráo thì sản lượng nhựa càng nhiều. Vì vậy, trước khi gieo trồng cây thuốc phiện, dân bỏ ra chuẩn bị hàng tháng trời đi phát cây rừng đốt rẫy để gieo hạt. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt phá cây rừng trên địa bàn xã Tri Lễ trong những năm qua.
Mỗi cây thuốc phiện cho ra 1 bông hoa, nhiều lắm là 2 bông. Khi hoa thuốc phiện rụng cánh, trái cây thuốc phiện phát triển, khi quả xanh căng thì bắt đầu lấy nhựa. Mỗi quả có thể lấy 2-3 lần nhựa. Trung bình 1.000 m2 cây thuốc phiện thu được khoảng 2 kg nhựa thuốc phiện. 1 kg nhựa bán chui cũng có giá 15-17 triệu đồng. Với mức thu nhập siêu lợi nhuận như vậy, cây thuốc phiện là một món cây trồng vô cùng hấp dẫn với người dân nơi đây.
Trong đó, các bản Huồi Xai 1, Huồi Xai 2 và Mường Lống trồng nhiều nhất. Ngày 15/2, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đồn 519 phối hợp với lực lượng công an, dân quân xã đã tiến hành kiểm tra khu vực thung lũng Huồi Mương phát hiện hàng chục đám rẫy trồng thuốc phiện; đám nhỏ khoảng 40-50 m2, đám lớn có diện tích hơn 1.000 m2.
Với 1.000m2 cây thuốc phiện, người trồng có thể thu được 30-35 triệu đồng.
Mới đây hơn, ngày 23/2, dưới chân dãy núi Phà Cà Tún, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng chục đám trồng thuốc phiện, đã triệt phá được khoảng 4.200m2. Theo một số cán bộ CA xã Tri Lễ, hiện khu vực này vẫn còn nhiều đám trồng thuốc phiện chưa được triệt phá hết vì lực lượng chức năng quá mỏng.
Không dễ bắt dân từ bỏ món lợi nhuận quá lớn
Lý giải cho tình trạng những ruộng thuốc phiện cứ thoải mái sinh sôi nảy nở mà không bị phát hiện, ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ - cho rằng vì cây thuốc phiện rất giống cây cải cúc, người dân thường trồng lẫn với loại rau này nên khó bị phát hiện. Ông Thu cũng phỏng đoán những diện tích thuốc phiện này là do người Mông ở Lào sang trồng lén vì khi lực lượng chức năng đi phá bỏ thì hầu hết các rẫy thuốc phiện đều vô chủ. Tuy nhiên khả năng này là khó xảy ra.
Ông Nguyễn Viết Thà - Bí thư Đảng ủy - Chính trị viên đồn Biên phòng 519 - chia sẻ: Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm không chỉ thuộc về lực lượng BĐBP mà của toàn xã hội. Riêng lực lượng biên phòng không thể làm gì khi món lợi nhuận quá lớn và nhận thức của nhân dân chưa thể thay đổi.
Bí thư huyện ủy Quế Phong - ông Trần Quốc Thành - thừa nhận vấn đề ma túy là vấn đề trọng điểm của tỉnh. Để ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy, trồng thuốc phiện, Huyện ủy Quế Phong đã có nhiều chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở khu vực 8 bản Mông của xã Tri Lễ; tuyên truyền về tác hại của ma túy, vận động người dân xóa bỏ cây thuốc phiện, xử các vụ án ma túy lưu động trên địa bàn nhằm tăng sức răn đe.
Tuy nhiên, về lâu dài cần quan tâm phát triển kinh tế, giúp dân xóa nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Xác định được điều đó, trong những năm qua, Quế Phong đã tiếp tục khôi phục dự án giúp đồng bào Mông trở về tái định cư tại khu kinh tế Minh Châu. Hỗ trợ các hộ dân quay về bản Minh Châu và bà con di cư sang Lào trở về - Đây là đối tượng chính tham gia trồng cây thuốc phiện. Nguyên nhân là trước khi di cư tự do sang Lào, họ đã bán nhà, bán hết đất; nay trở về vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tham gia trồng thuốc phiện.
Đỉnh núi Phà Cà Tún, nhìn từ bản Mường Lống
Ông Trần Quốc Thành cũng cho rằng đây chính là điểm khúc mắc mà huyện chưa tháo gỡ được. Vì vậy, huyện đang đề xuất tỉnh bổ sung chương trình 167 hỗ trợ cho các hộ làm nhà ở tại khu kinh tế Minh Châu.
Về tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn xã Tri Lễ, ông Thành cho biết đang huy động sự vào cuộc của lực lựơng BĐBP, công an, lực lượng vũ trang, quân sự phối hợp với dân quân tự vệ địa phương tăng cường tuần tra khu vực biên giới, nhất là những khu vực giáp ranh; rà soát lại sự quản lý của từng bản, từng hộ gia đình; tăng cường sự kiểm tra chéo lẫn nhau.
Tuy nhiên, cũng như vị chính trị viên đồn Biên phòng 519 đã chia sẻ, ông Thành cũng khẳng định: Để loại bỏ cây thuốc phiện ra khỏi đời sống xã hội không phải ngày một ngày hai mà là một cuộc chiến cam go lâu dài, cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Hiến Chương - Nguyễn Phê