1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cây giống, vật nuôi cũng cần được ban hành luật!

(Dân trí) - Trong hàng nghìn ý kiến của cử tri các địa phương gửi lên Quốc hội kỳ họp lần này, đa phần đều đề nghị Chính phủ phải ban hành nhiều luật hơn nữa vì luật nhiều mấy cũng chưa đủ!

Cử tri Đắk Lắk, Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về nông dân, Luật giống cây trồng, vật nuôi, Luật phụ nữ.

Cử tri Hà Nội, Quảng Ngãi, Đắk Nông đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật người cao tuổi.

Cử tri Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về quy hoạch.

Cử tri Hà Nội đề nghị Luật xử lý chất thải, Luật quản lý đô thị. Cũng cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội đưa Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng Luật năm 2008 và sớm ban hành luật này để thành phố Hà Nội có đủ căn cứ pháp lý về cơ chế đặc thù để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển.

Cử tri TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật khám chữa bệnh để bảo vệ người hành nghề và bệnh nhân.

Còn cử tri Gia Lai đề nghị Chính phủ tổng kết thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trong những năm qua để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

“Đột phá” hơn, cử tri Thái Bình đề nghị sớm ban hành Luật quyền được thông tin của người dân, nhằm buộc các cơ quan, tổ chức xã hội được phân công có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền các đạo luật đã được Quốc hội ban hành để người dân biết, thực hiện. Đây cũng là góp phần thực hiện quyền dân chủ của công dân...

Hầu như trong lĩnh vực nào, cử tri cũng yêu cầu phải có luật nhưng cũng chính cử tri lại lên tiếng phàn nàn là nhiều... luật quá! Như ý kiến của cử tri Tây Ninh, Hà Nội là “Luật ban hành nhiều nhưng thiếu thiết thực đi vào đời sống xã hội”.

“Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tránh tình trạng nhiều dự án luật không được tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân” - cử tri Tiền Giang, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh có ý kiến.

Cử tri các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bình Thuận, Quảng Bình, Cao Bằng, Thái Bình, Vĩnh Long, Khánh Hoà, Ninh Thuận thì: “Đề nghị các Bộ, ngành trung ương khi xây dựng các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện luật cần sát với tình hình thực tế ở địa phương và ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để luật đi vào thực tế; tránh tình trạng khi triển khai thực hiện không thống nhất và đồng bộ hoặc chưa triển khai thực hiện đã phải sửa đổi luật”.

Cử tri Nghệ An: “Công tác xây dựng luật hiện nay đã thể hiện một sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, tuy nhiên chất lượng một số văn bản luật chưa cao, chậm đi vào cuộc sống. Do chưa tuyên truyền thoả đáng, chưa kiên quyết thực hiện, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xây dựng, ban hành luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật”.

Gay gắt, cử tri Kon Tum lên tiếng: “Trong thời gian qua, nhiều luật đã được Quốc hội thông qua, đến thời điểm luật có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn vì vậy luật không đi ngay được vào cuộc sống và khiến cho các cơ quan quản lý lúng túng, gây ách tắc công việc và người dân chịu thiệt thòi đồng thời tạo ra sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể như Luật bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội khóa 11 thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 3/12/2004, nhưng đến ngày 3/3/2006 Chính phủ mới có Nghị định hướng dẫn thi hành luật này và đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa có thông tư hướng dẫn!”.

Lê Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm