1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cầu giúp trẻ đi học, kể cả khi lũ về; đưa người già đến viện kịp thời. Có cầu, bà con bán trâu bò lợn gà… được giá hơn; mua vật liệu, phân bón rẻ hơn vì đỡ phí vận chuyển. Cây cầu "Vì tầm vóc Việt" giúp bà con dân bản đổi đời.

Hình dáng cây cầu năm xưa

Đầu tháng 11,  đoàn thiện nguyện từ Hà Nội vượt gần 300km trở lại thôn Nặm Đường, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang trong tâm trạng khấp khởi vui mừng để  "gặp" lại cây cầu xây dựng cách đây 4 năm. Suối Nặm Đường theo tiếng của đồng bào người Dao nơi đây có nghĩa là "suối tình yêu", nước uốn lượn róc rách qua những phiến đá lớn, cỏ cây xanh ngắt rì rào đẹp như mơ. Từ 4 năm trước, suối càng thơ mộng hơn khi có cây cầu màu hồng rực vắt ngang qua.     

Đến nay, tấm biển mang màu hồng đặc trưng của quỹ Vì tầm vóc Việt ở đầu cầu do mưa nắng đã cũ đi nhiều nhưng nội dung còn rõ nét: "Cầu Vì tầm vóc Việt 3 - Quỹ Vì tầm vóc Việt và tập đoàn TH tài trợ - báo Tiền Phong, tỉnh Đoàn Tuyên Quang, huyện Đoàn Na Hang và đoàn viên thanh niên địa phương phối hợp thực hiện".

Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối - 1
Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối - 2

Suối Nặm Đường trước khi có cây cầu bắc qua (ảnh trên) và cây cầu sau khi được quỹ hỗ trợ xây dựng cuối năm 2020 (Ảnh: Quỹ Vì tầm vóc Việt).

So với trước đây, hai đầu cầu giờ đây có thêm 2 cột đèn năng lượng mặt trời; dọc đường dẫn hai đầu cầu cũng được thanh niên trồng thêm hàng hoa tím.

Bí thư xã Đoàn Sinh Long, anh Bàn Văn Vinh nói: "Cột đèn và hoa này là do Đoàn Thanh niên làm theo chương trình thắp sáng đường quê để tôn lên vẻ đẹp của cây cầu".

Anh Vinh kể, từ khi có cầu, rồi có cột đèn, hàng hoa tím và thêm mấy cây to ở đầu cầu, ngày nắng nóng và đầu giờ tối thường có nhiều người ra ngồi chơi, hóng mát.

Nhà ông Bàn Văn Sú, Trưởng thôn Nặm Đường cách cầu 200m. Nhà ông Sú trước đã ở sẵn tại đây nhưng một thời gian dài, ông chuyển ra trung tâm xã để ở vì đường qua suối quá nguy hiểm, khó khăn. Khi cầu Vì tầm vóc Việt 3 khánh thành, đường xá thuận lợi, ông Sú cho hay đã quay về nhà cũ để ở.

Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối - 3

Bảng tên cầu cho quỹ tài trợ năm 2020 (Ảnh: Quỹ Vì tầm vóc Việt).

Trẻ đến trường hàng ngày, giao thương thay đổi bất ngờ

Điều đoàn thiện nguyện kỳ vọng khi xây cây cầu này là giúp cho trẻ đến trường, bà con đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa tăng lên, đời sống khấm khá hơn.

Ông Sú cho hay, trước đây, chỉ cần mưa nhỏ, nước đã dềnh lên cao và bữa hôm đó, bọn trẻ phải có bố mẹ bế đến trường, người già bệnh tật cũng chật vật mới đến được bệnh viện. Bây giờ mọi thứ đã khác. Trận mưa khủng khiếp của bão Yagi vào đầu tháng 9 chỉ làm ngập nhẹ đường 2 đầu cầu còn dầm cầu nước không chạm tới; trẻ nhỏ vẫn đến trường bình thường.

Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối - 4

Cây cầu giúp trẻ đến trường, bà con đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa tăng lên (Ảnh: Quỹ Vì tầm vóc Việt).

Sản xuất, kinh doanh cũng có sự thay đổi đột phá. Ông Sú nhẩm tính, một mét khối gỗ mỡ trước đây bà con trong thôn bán được 1,7 triệu đồng vì thương lái phải để ô tô ở xa rồi kéo từng ít ra ngoài. Nay, ô tô qua cầu, vào tận thôn bốc hàng, giá gỗ mỡ tăng lên hơn 2 triệu đồng trên khối. Lúa ngô, con lợn con gà thương lái cũng vào tận nơi mua với giá cao hơn 10% - 20% so với trước. "Cây cầu quá tuyệt vời đối với bản làng. Chúng tôi cảm ơn quỹ Vì tầm vóc Việt và các đơn vị đã tham gia xây cầu", ông nói.

Ông Hoàng Văn Ú, dân tộc Dao, một người dân khác trong thôn kể, bên cạnh việc bán được hàng hóa giá cao, bà con mua gì về bản cũng rẻ hơn trước. Mỗi tấm xi măng trước đây vào đến bản có giá 60.000 - 65.000 đồng; nay có cầu, đường xá thuận lợi, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng chở vào tận nơi, giá còn có 40.000 - 45.000 nghìn đồng/tấm. Có gia đình mới xây nhà sau khi cầu xong tiết kiệm hơn chục triệu đồng tiền chở vật liệu. Gia đình ông Ú có hai cháu nhỏ đang đi học, nhờ cây cầu kinh tế khá hơn nên anh cũng lo cho các con đi học đàng hoàng. Con của anh sắp tốt nghiệp cấp 3, anh sẽ cho cháu đi học đại học.

Cây cầu góp phần đổi đời bản làng nghèo bên suối - 5

Bà con vui mừng ngày có cầu mới (Ảnh: Quỹ Vì tầm vóc Việt).

Phó chủ tịch xã Sinh Long, ông Hoàng Văn Hào nhận định, giá trị nhất của cây cầu là tải trọng cầu. "Cầu Vì tầm vóc Việt 3 có tải trọng hơn 10 tấn, trị giá hơn 500 triệu đồng, giúp cho xe tải qua được đã tạo đột phá. Xe tải qua, vận tải hàng hóa lớn, giao thương thuận lợi, kinh tế khấm khá, mọi cái đều thay đổi tích cực, trong đó có việc học của bọn trẻ".

Tính đến năm 2024, quỹ Vì tầm vóc Việt trao tặng 138 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh, bao gồm cầu, đường, trường học, trạm y tế và nhà tình nghĩa.

Riêng hạng mục nhà vệ sinh, đến năm 2030, quỹ hoàn thành xây dựng 1.000 nhà vệ sinh, trị giá 61,58 tỷ đồng. Cùng với cầu Nặm Đường, Quỹ cũng đã xây dựng nhiều cây cầu khác, có thể kể đến như các cây cầu ở Thạnh Lộc (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ); cầu Khuổi Luồn (Bắc Quang, Hà Giang); cầu Nà Khỏe (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng).

Trong suốt 10 năm qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã triển khai hàng trăm dự án thiết thực, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực người Việt; bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực; thực hiện hàng nghìn chương trình thiện nguyện, cứu trợ khẩn cấp, an sinh xã hội.