Cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung dần lộ diện
(Dân trí) - Công trình cầu qua cửa biển Thuận An (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) được cho là cây cầu vượt biển dài nhất miền Trung, nhịp chính với cáp hỗn hợp dài và cao nhất nước.
Dự án tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An nối xã Hải Dương với phường Thuận An (thành phố Huế) giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh này làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022, thực hiện với thời gian 3 năm. Quy mô tuyến dài gần 8km, trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m, bề rộng 20m.
Phối cảnh cầu vượt cửa biển Thuận An. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung, với nhịp chính dài 218m, cao 40m. Đây cũng là nhịp cầu dầm - cáp hỗn hợp dài và cao nhất cả nước hiện nay.
Tháp cầu có chiều cao 32m, được thiết kế dạng chữ A phía trên tạo mỹ quan cho công trình. Chiều cao từ mặt nước lên đến đỉnh tháp là 72m (Ảnh: Chủ đầu tư).
Đến nay, gần 2 năm sau ngày khởi công, hình hài dự án đã lộ diện. Riêng cầu đã thi công đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó hai trụ chính T27 và T26 là những hạng mục khó nhất, nằm giữa biển đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch.
Các hạng mục trên mặt biển cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án được đánh giá có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ở 2 phía đầu cầu Hải Dương (ảnh trái) và Thuận An (ảnh phải), các đơn vị thi công đã triển khai nhiều hạng mục thi công thân, xà mũ trụ, lao lắp, đổ bê tông dầm.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế, phạm vi giải phóng cho giai đoạn 1 của dự án thuộc địa bàn xã Hải Dương và phường Thuận An có tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 31ha, gồm đất ở, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản, đất mồ mả.
Đến nay công tác giải phóng mặt bằng tại địa bàn xã Hải Dương đã cơ bản xong phần đất ở, đất sản xuất; còn 34 lăng mộ có kiến trúc phức tạp đang được 1 đơn vị độc lập rà soát, lập dự toán để có cơ sở đền bù.
Đối với phường Thuận An, đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4,1ha đất rừng phòng hộ; cơ bản hoàn thành di dời lăng mộ.
Tổng số hộ có đất ở cần giải tỏa là 229 hộ, trong đó có 120 trường hợp bố trí tái định cư. Chính quyền đã hoàn thành việc kiểm đếm, kê khai nguồn gốc sử dụng đất đối với các hộ giải tỏa thuộc dự án.
Riêng các thửa đất có nguồn gốc lấn chiếm, không đủ điều kiện đền bù, bố trí tái định cư, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đang vận động người dân trả lại đất cho nhà nước.
Tương tự là dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, được khởi công xây dựng tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng.
Dự án thuộc tuyến đường vành đai 3, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh thị xã Hương Trà và Hương Thủy với thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, ý tưởng kiến trúc độc đáo, hài hòa với danh lam thắng cảnh, di sản và văn hóa Huế.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế, để thi công dự án cần thu hồi 356.705m2 đất của hơn 160 hộ gia đình tại phường Kim Long và Phường Đúc, trong đó Phường Đúc (khu vực bờ nam dự án) có 105 thửa đất phải thu hồi.
Đến nay, thành phố Huế đã phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho 83/105 thửa tại Phường Đúc, tổng giá trị gần 112 tỷ đồng; còn 14 thửa chưa duyệt do chưa có kết quả thẩm định về đất và 8 trường hợp thu hồi đất thiếu xác nhận tình trạng nhà đất của chính quyền địa phương.
Hiện mới chỉ có 53/105 thửa tại Phường Đúc bàn giao mặt bằng, các thửa còn lại bị thu hồi một phần, đang vận động người dân tiếp tục bàn giao.
Các hộ dân nằm trong diện tái định cư sẽ được bố trí đất tại khu quy hoạch Bàu Vá 3 và 4, khu Lịch Đợi (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) để xây dựng nhà ở ổn định.
Tại dự án có nhiều thửa còn vướng mắc hộ phụ (cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi) liên quan đến sổ hộ khẩu. Các trường hợp này chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo quy định để bố trí tái định cư nên người dân chưa giao đất cho nhà nước.
Bà Hồ Thị Long (người trong ảnh, 66 tuổi, ở Phường Đúc) thuộc diện mẹ đơn thân, vẫn ở trong căn phòng phía cuối căn nhà bị đập một phần, thờ cúng người con trai của bà đã mất cách đây vài năm.
Theo ông Bùi Ngọc Chánh, thành phố Huế đang nghiên cứu để có phương án hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất, bảo đảm ổn định đời sống một cách tốt nhất.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương còn gặp khó khăn khi có 15 hộ trùng lắp với dự án đường đi bộ dọc bờ sông Hương kéo dài, tiếp nối từ cầu Dã Viên đến đoạn gần giao với đường Huyền Trân Công Chúa thuộc địa phận Phường Đúc.
Đặc biệt là hộ dân nằm ngay mố trụ cầu vượt sông Hương chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng do còn thắc mắc chính sách bố trí tái định cư.