Thừa Thiên Huế:

Cầu trôi, 1 xã hơn 1.400 người bị cô lập

(Dân trí) - Chiều tối 2/11, ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư huyện ủy A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết cầu A Sáp thuộc xã Đông Sơn đã bị cuốn trôi do mưa lũ lớn ở thượng nguồn, gây cô lập hoàn toàn xã Đông Sơn với hơn 1.400 người.

Tại cây cầu A Sáp này vào năm 2009 đã bị đứt 2 đầu cầu, huyện phải sắp rọ đá lát ván để bà con đi lại, nay do nước lớn quá đã cuốn đi hết cả cây cầu. Hiện toàn xã Đông Sơn không giao thông với bên ngoài được đang bị cô lập.

Theo Bí thư Hồ Xuân Trăng, do lường trước tình hình nên trước khi mưa lũ đợt này, lãnh đạo huyện đã về xã này cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Công tác chuẩn bị ở trong xã được thực hiện tốt nên nếu khoảng 4 ngày trở lại thì tình hình bà con vẫn sẽ ổn. Hiện nguồn điện tại đây vẫn không bị gián đoạn do rút kinh nghiệm làm các chân mố, cột điện... xa vùng nước.

Đầu đường dẫn đến cầu A Sáp
Đầu đường dẫn đến cầu A Sáp
Đoạn giữa cầu A Sáp dẫn vào xã Đông Sơn bị trôi hoàn toàn, làm cả xã với hơn 1.400 người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc bị cô lập hoàn toàn
Đoạn giữa cầu A Sáp dẫn vào xã Đông Sơn bị trôi hoàn toàn, làm cả xã với hơn 1.400 người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc bị cô lập hoàn toàn

“Tuy nhiên, nếu quá 4 ngày nước lũ vẫn không rút thì huyện sẽ dự tính khắc phục đường quốc phòng từ xã Hương Phong qua xã Đông Sơn để tiếp tế lương thực cho bà con. Hiện ở xã này có 345 hộ với trên 1.400 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Paco” – ông Trăng trao đổi.

Cùng với cầu A Sáp còn có 2 cầu khác bị trôi một phần và sạt lở nặng đó là cầu tràn Hồng Kim qua sông Tà Rình bị cuốn trôi một nửa và cầu Khe Chai – xã Đông Sơn bị sạt lở hai bên mố cầu. Do xã Hồng Kim có đường vòng nên bà con trong xã không bị cô lập.

Cầu tràn Hồng Kim qua sông Tà Rình bị cuốn trôi một nửa
Cầu tràn Hồng Kim qua sông Tà Rình bị cuốn trôi một nửa

Trong huyện này, 10 hộ dân tại thôn A Đớt và thôn Chi Lanh – A Ro thuộc xã A Đớt bị ngập đã được tiến hành di dời; 1 hộ dân ở xã A Roàng bị sập nhà do sạt lở đất; 1 người bị thương ở xã Hồng Thái do di chuyển đồ đạt. Riêng ở xã Hương Lâm bị ngập cục bộ tại thôn Ba Lạch và thôn A So 2, đã tiến hành di dời 3 hộ dân.

Ngập lụt các tuyến đường liên thôn
Ngập lụt các tuyến đường liên thôn
Ngập lụt các hộ dân ở xã A Đớt
Ngập lụt các hộ dân ở xã A Đớt

Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới bị sạt lở tại Km314+400 (khu vực đèo Pê Ke xã Hồng Thủy) với khối lượng đất đá chừng 3.000m3, ô tô các loại ùn ứ khoảng 15 chiếc. Một đoạn từ xã A Roàng đi đồn biên phòng Hương Nguyên bị sạt lở ở Km 378, hiện Hạt quản lý đường bộ A Lưới đang tiến hành thông tuyến.

Riêng tuyến Quốc lộ 49A qua A Lưới cũng bị sạt lở trên 10 điểm, trong đó có 3 điểm sạt lở nặng tại Km55, Km92 – hiện Hạt Quản lý đường bộ A Lưới đã thông tuyến.

Sạt lở nặng lấp đường QL49 đi Huế - A Lưới.
Sạt lở nặng lấp đường QL49 đi Huế - A Lưới.
Xe đặc dụng tiến hành thông đường
Xe đặc dụng tiến hành thông đường
Một phần đường của tuyến Quốc lộ 49A đã được thông trong chiều nay (2/11)
Một phần đường của tuyến Quốc lộ 49A đã được thông trong chiều nay (2/11)

Thủy điện A Roàng bị sạt lở đất, ngập vào tầng 1 nhà máy phải dừng phát điện vào lúc 4h sáng ngày 2/11. Các chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đến xử lý sạt lở, may mắn việc sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư vùng hạ du. Hiện thủy điện này đang xả 3 trên 4 cửa tràn.

Thủy điện A Lưới xả nước qua nước bạn Lào, hiện đã xả được 3 đợt. Đợt 3 mới nhất vào sáng 2/11 có lưu lượng xả 800m3/s, dự kiến tăng dần đến 1.200m3/s. Nguồn điện toàn huyện miền núi A Lưới hiện đang ổn định.

Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ 1h ngày 30/10 đến 13h ngày 2/11 ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa phổ biển từ 400-600mm, một số nơi mưa rất to như trạm Thượng Nhật (sông Tả Trạch) 672mm, trạm Bạch Mã 936mm, trạm Tà Lương (A Lưới, thượng nguồn sông Bồ) 422mm, trạm A Lưới 403mm. Dự báo từ chiều 2/11 đến ngày 4/11 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. Trong đợt này hồ thủy điện Hương Điền đã chứa được 100 triệu m3, hồ thủy điện Tả Trạch và Bình Điền đã chứa được 170 triệu m3 góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.

Đại Dương