1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cầu treo bị... “treo” sau bão, dân vất vả vượt sông bằng đò

(Dân trí) - Sau cơn bão số 10, cây cầu treo bắc qua sông Son tại địa bàn xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị hư hỏng nghiêm trọng. Đây là cây cầu duy nhất để qua sông nên hơn nửa tháng qua, người dân và học sinh tại xã Liên Trạch đành phải vượt sông bằng đò với rất nhiều hiểm nguy rình rập.

Cầu treo bị "treo" sau bão số 10

Xã Liên Trạch là địa địa phương nằm bên bờ sông Son. Để hỗ trợ việc đi lại thuận tiện cho người dân và học sinh tại đây, vào năm 2009, một cây cầu treo đã được tổ chức ICCO tài trợ thi công và đưa vào sử dụng.

Năm 2014, cây cầu này tiếp tục được Sở Giao thông vận tải Quảng Bình đầu tư sửa chữa hoàn thiện với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Cây cầu treo tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch
Cây cầu treo tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch

Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, cây cầu treo nói trên đã bị hư hỏng nghiêm trọng và không thể tiếp tục sử dụng vì nguy hiểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều múi dây néo từ cáp treo với dầm cầu đã bị đứt, hệ thống dầm cầu ở phía Đông bị lệch ra khỏi mố và trụ, nhiều múi hàn bị đứt gãy hoặc bị uốn cong. Trước sự cố này UBND xã Liên Trạch đã treo biển cẩm qua lại và thông báo người dân không được mạo hiểm đi qua cầu.

Cầu treo bị... “treo” sau bão, dân vất vả vượt sông bằng đò - 2
Bão số 10 đã khiến cây cầu bị hư hỏng nặng
Bão số 10 đã khiến cây cầu bị hư hỏng nặng

Là cây cầu trọng yếu để người dân tại xã Liên Trạch qua lại nên việc cầu bị hư hỏng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân tại địa phương này, đặc biệt là hai thôn Phú Kinh và Liên Sơn. Để vượt sông, người dân và các em học sinh tại đây đang phải dùng đò để đi lại với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập.

“Ngày mô cũng phải qua sông ít nhất 4 lượt, có cầu còn thuận tiện, giờ cầu bị bão phá hỏng nên chỉ có thể qua lại bằng đò, nguy hiểm lắm. Cháu tui ngày mô cũng phải đi học bằng đò khiến tui cứ lo nơm nớp. Tui và bà con ở đây chỉ mong cây cầu sớm được sửa chữa để đi lại cho thuận tiện và an toàn”, bà Hoàng Thị Tuyết, một người dân thôn Phú Kinh tâm sự

Cầu treo bị... “treo” sau bão, dân vất vả vượt sông bằng đò - 4
Không còn cầu, người dân và học sinh tại xã Liên Trạch phải vượt sông bằng đò với muôn vàn hiểm nguy rình rập
Không còn cầu, người dân và học sinh tại xã Liên Trạch phải vượt sông bằng đò với muôn vàn hiểm nguy rình rập

Con đò hiện được sử dụng để vận chuyển người và phương tiện qua sông là của một người dân trên địa bàn xã Liên Trạch, UBND xã này cũng đã chi trả chi phí cho chủ đò để hằng ngày đưa các em học sinh đến trường, còn đối với người dân thì mỗi lượt đò qua lại là 2.000 đồng. Tuy nhiên vì chỉ có duy nhất một chiếc đò phục vụ trên sông, trong khi nhu cầu đi lại quá lớn nên đôi lúc nhiều người dân vẫn phải bất chấp nguy hiểm vượt rào chắn và đi lại trên chiếc cầu hỏng.

Cầu treo bị... “treo” sau bão, dân vất vả vượt sông bằng đò - 6
Mặc dù đã UBND xã Liên Trạch đã làm rào chắn, treo biển cấm nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi trên cây cầu hỏng
Mặc dù đã UBND xã Liên Trạch đã làm rào chắn, treo biển cấm nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi trên cây cầu hỏng

“Thôn tôi có trên 800 nhân khẩu, trong đó có gần 150 học sinh ngày nào cũng phải sử dụng cầu để qua sông. Giờ cầu đã hỏng, đò chỉ là phương án tạm thời chứ lâu dài thì rất bất tiện và nguy hiểm lắm. Ở đây chỉ có duy nhất cây cầu treo này để qua sông nên chúng tôi rất mong các cấp, ban ngành sớm có phương án sửa chữa để người dân đi lại thuận lợi hơn”, ông Hoàng Hải Quân, Trưởng thôn Phú Kinh bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, trước việc cầu đường trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, cũng như hư hại do bão Doksuri, đơn vị đã tiến hành rà soát, lập báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương có cầu đường bị hư hỏng lên phương án để tiến hành khắc phục. Đối với cầu treo xã Liên Trạch, tỉnh đã giao UBND huyện Bố Trạch trực tiếp có kế hoạch sửa chữa để sớm có thể sử dụng trở lại.

Tiến Thành