Cậu phu hồ và ký ức “Gót buồn tuổi thơ”
(Dân trí) - Mẹ mất, bố đi lấy vợ hai, Đào Văn Hùng bỗng trở thành đứa trẻ “không gia đình” khi mới 7 tuổi. Em bỏ nhà ra đi, ngày xin ăn, đêm ngủ gầm cầu… Những kí ức kinh hoàng ấy đến giờ nhắc lại em vẫn chưa hết bàng hoàng, xa xót.
19 tuổi, Đào Văn Hùng đã có tới 12 năm bôn ba, lưu lạc giữa sóng gió cuộc đời. Gặp Hùng khi em vừa nhận giải ba cuộc thi viết “Ký ức gia đình” do tạp chí Gia Đình tổ chức, chúng tôi vô cùng xúc động khi được đọc bài dự thi “Gót buồn tuổi thơ” được viết nắn nót trên hai mặt giấy của em. Em bảo em đã viết đi viết lại nhiều lần bức thư ấy trước khi gửi tạp chí Gia Đình mà không bao giờ nghĩ mình đoạt giải.
Em chỉ viết để mong được giãi bày một chút cuộc đời mình. Ngừng một chút, em bảo bức thư ấy em viết bằng máu và nước mắt. Máu trong những trận đòn thù ghét của lũ trẻ bụi đời dành cho em - đứa bé 7 tuổi tranh giành địa bàn ăn xin của chúng; và nước mắt lã chã rơi những đêm mưa nằm dưới gầm cầu.
Hùng bắt đầu câu chuyện: Em sinh ra tại thôn Hữu Chấp, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nhưng lâu lắm rồi em không còn quê nữa. Em vẫn nhớ về nơi ấy chỉ bởi vì người mẹ của em còn nằm ở đó. Giờ em đang làm phu hồ cho công trường Công ty 319 Bộ Quốc Phòng tại Phủ Lý - Hà Nam và sống luôn tại các công trường xây dựng.
Mẹ Hùng mất sớm, khi em 5 tuổi, bố đi lấy vợ hai. Những lời đay nghiến, những trận đòn thù tạc của người dì ghẻ khiến Hùng không thể chịu đựng nổi. Vào một ngày khi em đang học lớp 2, sau một trận đòn kinh hoàng của mẹ kế mà bố không một lời can ngăn, em đã bỏ nhà đi. Đứa bé 7 tuổi trở thành đứa bé “không gia đình”.
Hùng lang thang ở thành phố Thanh Hóa chừng hai ba năm. Khi đó còn quá nhỏ, em chỉ có thể lân la ở những quán ăn xin cơm thừa canh cặn. Nhiều khi bị các chủ quán đuổi đánh, em nhịn ăn tìm chỗ ngủ tạm cho bớt đói. Lên 10 tuổi, Hùng nhảy “lậu” tàu ra Hà Nội, sống vạ vật tại các chợ, lúc xách nước thuê, lúc bê hàng hộ, ai sai gì làm đấy, miễn sao có gì ăn lót dạ. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ cơ cực, nhìn các bạn bằng tuổi mình được bố mẹ nâng niu chiều chuộng, Hùng cứ ngồi trong góc phố bẩn thỉu mà khóc.
Dù mới được học hết lớp 2 nhưng nét chữ của Hùng trong bài dự thi vẫn rất đẹp. Hùng tâm sự: “Sau khi em bỏ nhà ra đi, ra Hà Nội sống lang thang rồi cả sau này khi lớn, những buổi chiều em vẫn lang thang đến các trường học. Em khao khát được đi học, trong những giấc mơ, em thường mơ thấy mình được mẹ dắt tay đến lớp”.
May mắn cho Hùng, khi em 15 tuổi, trong một lần đi tìm chỗ ngủ tại khu nhà bỏ hoang ở Văn Điển (Hà Nội), em gặp anh Nguyễn Văn Mạnh, một người cùng làng lên Hà Nội làm nghề xây dựng. Từ đó em được nhận làm phu hồ, rồi học nghề thợ xây, đi theo người anh cùng làng tới các công trình xây dựng.
Cuộc thi viết “Ký ức gia đình” do tạp chí Gia Đình tổ chức thường niên vào dịp chào mừng ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Cuộc thi nhằm ca ngợi và tôn vinh truyền thống gia đình Việt, tạo sân chơi cho bạn trẻ cả nước có cơ hội trải lòng mình qua những bài viết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Qua đó đẩy mạnh phong trào Gia đình văn hóa, nâng cao nhận thức của người dân về việc gìn giữ truyền thống gia đình tốt đẹp từ ngàn đời xưa của dân tộc Việt Nam.
Cuộc thi “Ký ức gia đình - thắp sáng tương lai” năm 2010 đã thu hút hơn 1.000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Em Đào Văn Hùng đã nhận giải 3 tại cuộc thi viết “Ký ức gia đình - thắp sáng tương lai” năm 2010 vừa diễn vào đúng ngày Gia đình Việt Nam sáng nay. |
Anh Thế - Quốc Đô