Cầu Phong Châu được trục vớt như thế nào?
(Dân trí) - Các lực lượng chức năng đang sử dụng máy hàn hơi cắt từng nhịp giàn thép của cầu Phong Châu bị sập. Sau đó, 2 tàu có lắp trục vớt sẽ nâng nhấc các giàn thép lên mặt nước để cần cẩu đưa lên bờ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong những ngày này, các đơn vị chức năng đang sử dụng phương tiện chuyên dụng tích cực trục vớt cầu Phong Châu và những phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu cách đây gần một tháng.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt kinh phí 9,13 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn. Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ được giao làm đơn vị thực hiện dự án, chỉ định nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng dự án.
Hôm 9/9, do ảnh hưởng của bão Yagi, cầu Phong Châu (nối huyện Tam Nông với huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị sập 2 nhịp chính. Thời điểm cầu sập có nhiều người và phương tiện đang di chuyển. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm được 4 thi thể, vẫn còn 4 người mất tích.
Ngày 7/10, có 4 tàu chuyên dụng thực hiện việc cắt, trục vớt nhịp giàn thép của cầu Phong Châu bị sập.
Cần cẩu chuyên dùng 150 tấn đặt trên bờ sẽ phối hợp cùng hai tàu trục vớt chuyên dụng để nâng giàn thép lên khỏi mặt nước.
Lực lượng chức năng sau khi khảo sát đã sử dụng máy phá bê tông, máy hàn hơi cắt từng nhịp thép bị sập để tiến hành trục vớt.
Do nước sông Hồng vẫn chảy xiết, mọi công tác trục vớt được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ nhằm đảm bảo tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia trục vớt.
Đối với bê tông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và hai tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bê tông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bê tông đặt trên tàu sẽ phá dỡ đến đó.
Việc trục vớt các phương tiện, nhịp cầu bị sập theo phương án đề xuất sẽ thực hiện trong 60 ngày.
Theo phương án cứu hộ, đối với các phương tiện bị chìm nằm trong nhịp giàn thép của cầu sẽ sử dụng cần cẩu chuyên dụng 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt cùng các phương tiện, thiết bị cần thiết để nâng nhấc khỏi mặt nước, cắt từng nhịp sau đó dùng tàu lai dắt chở từng nhịp giàn thép vào bờ.
Đối với những phương tiện và nhịp giàn bị vùi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa, sẽ sử dụng hệ thống vòi xối và hút để loại bỏ lớp bùn cát bám dính trước khi tiến hành các công đoạn trục vớt tiếp theo.
Ngoài việc trục vớt cầu Phong Châu, trong ngày 7/10, hàng chục cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải Quân cùng nhiều phương tiện chuyên dụng như xuồng cao su, máy lặn đồng hồ, máy nén khí,... thực hiện việc lặn tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Trong nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân, trong những ngày qua "người nhái" tinh nhuệ đã tiến hành lặn, rà soát tổng quan từ chân cầu Phong Châu, bán kính rộng 10km, các khu vực nước xoáy, luồng chảy; rà soát khu vực cầu sập; đồng thời tìm kiếm theo địa chỉ thông tin do người dân cung cấp.
Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đã lựa chọn những thợ lặn có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm cứu nạn ở môi trường sông, biển tham gia đợt tìm kiếm tại khu vực cầu Phong Châu.
Từ chiều 6/10, cầu phao Phong Châu được khớp nối lại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cầu phao tạm Phong Châu ở Phú Thọ được lắp đặt tại địa bàn xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao). Để bắc cầu phao tạm Phong Châu, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh đã sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố.