1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cầu Long Biên xứng đáng trở thành bảo tàng sống

(Dân trí) - Đánh giá về ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử, nhiều kiến trúc sư cho rằng cây cầu này xứng đáng trở thành bảo tàng sống, thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng. Nhưng cũng không nên đặt vấn đề công nhận nó là di tích theo Luật Di sản.

Ngày 20/9, Hội Người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức hội thảo Quy hoạch bảo tồn, cảo tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tại đây, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, đã trình bày đề án quy hoạch cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại.

Phố nghệ thuật trên cầu trăm tuổi

Dự án của kiến trúc sư Nguyễn Nga có tham vọng biến cầu Long Biên như một bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới. Theo đó, cây cầu sẽ được nâng cao 2m để cho tàu thuyền qua lại. Cầu cũng sẽ được mở rộng với mục đích du lịch lịch sử, dẫn đường cho sự phát triển bền vững. Cây cầu sẽ được gắn phao trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng.
Cầu Long Biên xứng đáng trở thành bảo tàng sống - 1

Cây cầu gần 100 năm tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Bà Nga cũng đưa ra ý tưởng biến cầu Long Biên thành phố Nghệ Thuật. Cụ thể, với 131 vòm cầu bằng gạch nằm dọc tuyến đường sắt dẫn lên cầu hiện bị bịt kín sẽ được mở thông để tạo thành một dãy phòng triển lãm của các làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống. Các vòm còn lại sẽ được dành cho khu nhà hàng, quán cà phê, trà, hay dành cho nghệ sĩ và giới trẻ yêu hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh.

Phần đường tàu hiện tại nằm trên 131 vòm cầu sẽ đượng cải tạo thành “Khu vườn treo”. Công trình được xây dựng sẽ trở thành một nơi thư giãn và một con đường đi dạo được trồng cây và hoa.

Còn tại bờ phải của sông Hồng (phía Long Biên) quỹ đất 2,5ha đất bỏ trống đang bị dùng làm chỗ đóng than tổ ong, bà Nga dự định xây Tháp sen - Bảo tàng nghệ thuật đương đại, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại; những công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, một phố đi bộ xanh mang tên “Đại lộ hòa bình” nối liền những điểm văn hóa lịch sử của Thủ đô dài 4km cũng được đề xuất triển khai tại khu vực này.

Không nên coi cầu là di tích theo Luật Di sản

Tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đánh giá, cầu Long Biên không chỉ là một cây cầu mang ý nghĩa giao thông thuần túy mà còn mang ý nghĩa chính trị đặc biệt. Do vậy, cần xây dựng cầu Long Biên thành địa chỉ văn hóa (Bảo tàng cầu Long Biên) để phục vụ du khách.
 
Cầu Long Biên xứng đáng trở thành bảo tàng sống - 2

Cầu Long Biên được coi là nhân chứng lịch sử của người Hà Nội

Theo Giáo sư Hoàng Chương, cầu Long biên là một chứng nhân lịch sử, một chứng tích của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân Việt Nam anh hùng. “Cầu Long Biên xứng đáng trở thành một bảo tàng sống, thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, thành một điểm sáng văn hóa và du lịch trong tương lai ở Hà Nội”, Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh.

Giáo sư Hoàng Đạo Kính Ủy viên ban chấp hành Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc - kỹ thuật có giá trị, cần được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô.

Tuy nhiên, Giáo sư Kính cho rằng, không nên đặt vấn đề công nhận công trình này là di tích theo Luật Di sản văn hóa bởi nó chưa thể được liệt dứt khoát vào diện này và nếu bị coi là di tích sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. “Là một công trình di sản, ta vừa có thể duy trì nó về cơ bản, vừa cải tạo thích ứng nó với các mục đích mới. Chính việc sử dụng tích cực cầu Long Biên trong đời sống xã hội đương đại mới có điều kiện duy trì nó hữu ích và khả thi”, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đánh giá.

Đánh giá về ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng, Phó Giáo sư Vũ Thị Vinh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng đây là ý tưởng táo bạo bởi tính nhất quán giữa các chức năng sử dụng với hình thức thực tế của di sản văn hóa.

Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1903, chỉ có xe lửa chạy giữa và 2 bên là đường bộ hành. Sau đó, cầu được mở dần sang 2 bên, đến năm 1930 xe ô tô mới được phép qua cầu. Hiện nay, nhiều mấu trụ cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Bộ GTVT và Tổng công ty đường sắt Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án khôi phục cây cầu vốn được coi là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội này.
Quang Phong