Câu lạc bộ đầu tiên của người đồng tính
Lần đầu tiên tại Hà Nội, một câu lạc bộ dành riêng cho những người đồng tính nam, với tên gọi là Hải Đăng đã được thành lập. Chị Phạm Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS - "bà đỡ" của CLB đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở.
Nhiều người thắc mắc, vì lý do gì khiến chị thành lập CLB "kỳ lạ" này?
Có một thực tế là xã hội đang có những cách nhìn nhận sai lệch, lên án, kỳ thị về những người đồng tính (NĐT). Đa phần trong số họ không phải là những người đua đòi, bệnh hoạn... mà đơn giản chỉ là những con người đáng thương, sinh ra không được may mắn như những người bình thường khác.
"Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn. NĐT rất cần sự cảm thông, hỗ trợ từ phía cộng đồng" - Bà Phạm Thị Nga |
Tại Việt Nam, đồng tính nói chung và đồng tính nam đang là vấn đề tế nhị, vậy khi thành lập CLB chị có gặp trở ngại nào không?
Nhiều lắm chứ! Khi trình dự án lên các cấp có thẩm quyền, chúng tôi phải chờ đợi rất lâu mới được phê duyệt. Một số người biết chúng tôi thành lập CLB đã lên tiếng phản đối gay gắt. Tuy nhiên, khó khăn nhất lại từ phía những NĐT. Họ thường có tâm trạng sợ hãi, lo âu đến độ dằn vặt, đau khổ khi phải cho gia đình biết sự thật về mình.
Có người lo ngại, nếu tiết lộ thì gia đình sẽ bỏ rơi nên họ nghĩ chẳng thà sống trong bóng tối cả cuộc đời còn hơn là đi ra ánh sáng. Vì vậy, chúng tôi muốn giúp các bạn trẻ có đủ can đảm nói với gia đình về tình trạng của mình và đòi hỏi gia đình phải có hiểu biết để thông cảm.
Bằng cách nào chị đã đưa họ đến với CLB Hải Đăng?
Chúng tôi phải mất nhiều tháng, tìm đến "điểm nóng" có NĐT trên địa bàn Hà Nội vận động. Ban đầu, họ từ chối thẳng thừng và không muốn lộ diện... Sau khi được tư vấn, cũng có người đồng ý nhận lời nhưng đến khi nộp hồ sơ, tập huấn thì... mất hút.
Vừa buồn, vừa giận. Phải kiên trì lắm, chúng tôi mới thuyết phục được họ. Cuối cùng cũng thành công, và CLB Hải Đăng đã chính thức đi vào hoạt động với 25 thành viên. Đa phần trong số họ là thanh niên.
Ý nghĩa của hai chữ Hải Đăng là gì vậy, thưa chị?
Hải Đăng là cây đèn biển. CLB Hải Đăng tình nguyện là ngọn đèn biển soi đường cho họ khỏi lạc lối để vượt qua cơn bão tố HIV/AIDS.
CLB Hải Đăng mang lại lợi ích gì cho NĐT?
Đến với CLB, các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng nhóm; trao đổi và tìm hiểu những thông tin về sức khỏe, xã hội, văn hóa, thể thao; tham gia các buổi sinh hoạt nhóm, tập thể hình...
Bên cạnh đó, các NĐT còn là những tuyên truyền viên tham gia các hoạt động như: biểu diễn văn nghệ thời trang lồng ghép kiến thức về HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại cộng đồng; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; bán trợ giá bao cao su, tiếp cận trò chuyện với người cùng giới tại các điểm nóng; quyên góp tiền cho những bệnh nhân AIDS ở Nghệ An, cho trẻ tàn tật ở Hà Nội... Từ khi tham gia CLB, NĐT cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
TPHCM và một số thành phố lớn có rất đông NĐT. chị có dự định mở rộng hệ thống CLB ở đó không?
Đây là dự án được Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế tài trợ. Nhưng nếu có kinh phí, chắc chắn chúng tôi sẽ nhân rộng. Trước mắt, tôi đang có dự định xây dựng trang web để NĐT không có điều kiện đến với CLB trực tiếp có thể tham gia sinh hoạt, được tư vấn trên mạng. Ngoài ra, những NĐT có nhu cầu tư vấn có thể liên lạc với chúng tôi theo số điện thoại 7.366.653.
Đây mới chỉ là CLB đồng tính nam, chị đã bao giờ nghĩ đến sẽ thành lập CLB đồng tính nữ chưa?
Hiện tại thì chưa. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng đồng tính nữ thông qua các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV bí mật và miễn phí; khám và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục miễn phí.
Đến nay, CLB đã quy tụ chủ yếu là lao động tự do, sinh viên, văn nghệ sĩ... Vì thế, trước mắt, chúng tôi muốn vươn tới những NĐT khó tiếp cận như công nhân viên chức. Tôi cũng mong muốn nhóm NĐT được xếp vào Chương trình phòng, chống AIDS quốc gia, giúp họ sống có ích cho đời, sống có ý nghĩa hơn.
Theo Thu Hằng
Báo Thanh niên