1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Câu lạc bộ 100 tỉ đôla”

“Gửi tiền về nhà” chính là niềm vui, niềm an ủi, đôi khi duy nhất, của những người lao động di dân khắp nơi trên thế giới, trong đó, tất nhiên, có nhiều người Việt...

Ông Trịnh Văn, ở Houston, bang Texas (Mỹ), trao cho tôi 200 đôla Mỹ và nói: “Nhờ anh mang về cho con gái tôi ở Hóc Môn”. Khi đồng ý giúp ông, tôi không hình dung hết niềm hạnh phúc của con gái ông - chị Trịnh Lan - khi nhận được tiền cha gửi.

 

Chị nói: “Cảm ơn bác. Hai đứa con của con sẽ dùng số tiền này để đóng học phí”. Như vậy ông Văn đã gián tiếp đầu tư vào giáo dục rồi. Ông là chủ một cửa hàng bán kem ở Houston, có một vợ, hai con, nhưng ông phải gửi tiền cho một người con còn ở Việt Nam mà ông mới tìm lại được sau 30 năm thất lạc…

 

Ông Trần Hùng - hàng xóm của ông Văn - là một ngư dân làm ăn khấm khá trên vùng biển Galveston, bang Texas, thì thường xuyên gửi về nhà hàng năm không dưới 10.000 đôla.

 

Còn bà Nguyễn Văn Phép, ở quận Alexandria, bang Virginia, đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn cố gắng giữ chỗ làm trong một bệnh viện tư mỗi tuần ba ngày. “Tôi có thể sống với số lương hưu mà không phải làm thêm”, bà nói, nhưng nghĩ đến những người thân ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Vĩnh Long, bà đã cố gắng kiếm vài trăm đôla hàng tháng gửi về giúp bà con ở nhà.

 

Anh Bạch Ngọc Chiến, tùy viên báo chí và văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington, nói với chúng tôi: “Thật ra, kiều hối mà người Việt ở Mỹ gửi về nhà chủ yếu là giúp gia đình chứ không phải đầu tư. Nhưng “tích tiểu thành đại”. Mỗi người một ít, số tiền đó lên đến cả tỉ đôla mỗi năm”.

 

Tiền về nhà là đồng tiền khôn

 

Ông bà ta nói: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Thật ra đồng tiền nào không nằm trong ngăn tủ khóa lại đều là… khôn. Vậy phần lớn tiền kiều hối đều “khôn” cả.

 

Nhiều người đã nhìn xa khi gửi tiền về nhờ người thân mua đất hay nhà cửa, đưa vào kinh doanh. Anh Nguyễn Văn, một kỹ sư máy tính ở Virginia, nói: “Em hùn với người nhà 20.000 đôla cách đây năm năm và nay con số đó đã tăng lên gấp bốn lần”.

 

Ông Tô Văn ở quận 11, nhờ số tiền vài ngàn đôla của người thân chuyển về giúp đỡ lúc khó khăn - năm 1986 - nay đã sở hữu một dây chuyền làm hàng gia dụng. “Hàng hóa của tôi làm ra không đủ bán. Phân xưởng sử dụng cả trăm công nhân và lợi nhuận không dưới 7 tỉ đồng mỗi năm”, ông nói.

 

Người thân của ông thì nói: “Tài sản của ông Văn phải tính bằng triệu đôla. Đó là số tiền mà ở Mỹ mấy chục năm chúng tôi không mơ thấy nổi”. Gia đình này dự tính “đầu tư” thêm một dây chuyền sản xuất máy lạnh nhãn hiệu Việt Nam.

 

Tất nhiên cũng có không ít thân nhân của họ ở Việt Nam chỉ trông chờ người thân gửi tiền về tiêu xài hoang phí, cho bõ những tháng ngày cực khổ. Một Việt kiều ở Đức từng than thở với người viết bài này: “Tôi bị thất lạc gia đình từ nhiều năm. Khi tìm được, tôi đã cố gắng gửi tiền về giúp, chí ít xây được một căn nhà trên bờ cho bố mẹ tôi (vì gia đình anh vốn là dân vạn chài). Nhưng khi trở về thăm thì tôi thấy gia đình vẫn không có nhà, người thân vẫn khổ, hỏi ra mới biết họ chỉ chờ tiền gửi về ăn xài cho thỏa”. Sau đó anh đã về Việt Nam, tự mình xây nhà và lập công ty rồi dạy nghề cho các em, nhờ vậy gia đình anh nay cơ bản đã ổn định.

 

Ông Nguyễn Văn Châu, ở Tân Bình, được người nhà cho vài trăm đôla mỗi tháng. Ông đã tích cóp lại được 10.000 đôla và cùng vài người bạn góp vốn thành lập một bệnh viện tư. “Mặc dù chưa có lợi nhuận nhưng đó là cả niềm hy vọng lúc về già của tôi”, ông nói.

 

“Câu lạc bộ 100 tỉ đôla”

 

Chắc bà Phép, ông Trịnh Văn và nhiều người lao động Việt Nam khác không bao giờ biết những đồng tiền dành dụm của họ là “thành viên” của “Câu lạc bộ 100 tỉ đôla kiều hối” mà những người lao động ở nước ngoài gửi về nhà hàng năm trên khắp thế giới.

 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, được trích thuật, cho rằng nguồn tiền lớn nhất gửi về Việt Nam theo thứ tự là từ Đông Âu, Mỹ, Canada và Úc. Theo tờ Newsweek số đầu tháng 1/2005, Việt Nam là một trong ba nước có số người lao động ở nước ngoài có gửi tiền về nhà đang tăng lên, bên cạnh Philippines và Pakistan.

 

Xu hướng của các nước đang phát triển hiện nay là đi tìm những nguồn tài chính mới, có tính “sáng tạo” hơn để bổ sung vào ngân sách chống đói nghèo. Mặc dù con số lẻ có thể khác nhau một chút, cả Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank) đều ước tính tổng số nguồn kiều hối lưu chuyển trên thế giới hàng năm là 150 tỉ đôla Mỹ.

 

Ông Huỳnh Đăng, điều hành một doanh nghiệp tư nhân tại TPHCM, làm đại lý dịch vụ kiều hối cho các ngân hàng, nói rằng một mình công ty của ông đã giúp chuyển về Việt Nam lượng kiều hối gần 500 triệu đôla trong vòng ba năm, chủ yếu là từ Mỹ.

 

Trong khi đó, Anwarul Karim Chowdhury, trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc, phụ trách tiểu ban “Những nước nghèo nhất”, cho biết nguồn kiều hối được chuyển qua các kênh không chính thức có thể đạt tới con số 100 tỉ đô la. “Lượng tiền này đã góp phần làm gia tăng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA)”, ông Chowdhury nói trong một cuộc phỏng vấn.

 

Tại nhiều nước nghèo, nguồn kiều hối là lớn nhất trong các nguồn trao đổi ngoại tệ của đất nước. Ví dụ: Tajikistan, nổi tiếng xuất khẩu trà, nhưng kiều hối lại cao hơn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu trà. Tại Tonga, kiều hối chiếm đến 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

 

“Kiều hối đổ về ngày càng nhiều hơn cho các nước nghèo, đơn giản vì nghèo nên họ tìm cách xuất khẩu lao động ngày càng nhiều”, ông Chowdhury nói.

 

Gấp đôi dân số Việt Nam

 

Số người, mà ông bà ta thường gọi là “tha phương cầu thực”, đó hiện nay trên thế giới là 175 triệu, hơn gấp đôi dân số Việt Nam, và tăng đến 75 triệu người so với năm 1960. Trong đó, người Việt, kể cả Việt kiều và xuất khẩu lao động trong những năm gần đây, cũng chiếm xấp xỉ 4 triệu người (gần 5% dân số rồi còn gì!).

 

Nơi thu dụng nhiều lao động nước ngoài nhất là châu Âu với 56 triệu người, tiếp đến là châu Á (50 triệu), rồi lần lượt là Bắc Mỹ (41 triệu), châu Phi (16 triệu), Mỹ Latinh và Caribê (6 triệu), Úc (gần 6 triệu). Ông Fernando Jimmenez - Ontiveros, Trưởng phòng Kế hoạch ưu tiên của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, phát biểu mới đây tại Ủy ban Di dân của Liên hiệp quốc rằng con số 150 tỉ đôla kiều hối toàn thế giới mà Liên hiệp quốc công bố thấp hơn con số thực tế vì “dữ liệu lưu trữ quá kém”.

 

Ông Fernando nói: “Số kiều hối này đã làm gia tăng sức mua của khoảng 150-200 triệu người trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh cáo rằng các chính phủ thường có khuynh hướng không xem đây là một hình thức ODA (viện trợ phát triển chính thức). “Đây là nguồn tài chính rất quan trọng để phát triển, tất nhiên chúng không thể thay thế viện trợ”, Ông Fernando nhấn mạnh.

 

Phí chuyển tiền vẫn cao

 

Khi nhận tiền gửi của thân nhân ở nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam, bạn sẽ không phải trả bất cứ lệ phí nào. Phí đó, thân nhân của bạn - tức là người gửi tiền - đã chịu rồi. Chuyên gia tài chính Ratha của Liên hiệp quốc nói: “Mặc dù phí chuyển tiền về nhà đã giảm, nhưng vẫn còn quá cao. Phí chuyển tiền trung bình chiếm khoảng 13% tổng số tiền gửi”. 

 

Giải pháp mà ông Ratha đề nghị là các chính phủ nên khuyến khích ngân hàng và tổ chức tài chính nhỏ (ví dụ như đại lý của ông Huỳnh Đăng được đề cập ở trên) tham gia mạnh vào hệ thống chuyển tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về nhà.

 

Người viết bài này đã phỏng vấn Giám đốc Ngân hàng Chinfon ở Đài Bắc và ông cho rằng con số mà người lao động Việt Nam (chủ yếu là các cô dâu Việt Nam gửi về cho cha mẹ) chuyển qua ngân hàng của ông hàng năm không thấp hơn 100 triệu đôla. (Cuộc phỏng vấn đã xảy ra cách đây năm năm và hy vọng rằng con số này không giảm theo thời gian).

 

Giáo sư kinh tế David Dapice, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học Harvard, đã cho rằng kiều hối là một trong bốn dòng vốn ngoại tệ phát triển của Việt Nam trong 10 năm đổi mới vừa qua.

 

Dòng vốn này mỗi ngày vẫn chảy… đều đều, bất luận được công nhận là nguồn viện trợ chính thức hay không.

 

Theo Thời báo kinh tết Sài Gòn