1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Câu chuyện thắp lửa từ thiết kế tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa

(Dân trí) - “Hình ảnh người mẹ chờ chồng con là đã đi vào lịch sử bi tráng và hào hùng chống ngoại xâm. Qua hình ảnh người mẹ chờ đợi tại Khu tưởng niệm, khách tham quan sẽ liên tưởng tới những nghĩa sĩ đã hy sinh, những ngư dân ngày đêm bám biển, giữ vững chủ quyền đất nước”.


Phối cảnh của Đề án Mẹ thắp lửa của Kiến trúc sư Trần Văn Dũng.

Phối cảnh của Đề án "Mẹ thắp lửa" của Kiến trúc sư Trần Văn Dũng.

Kiến trúc sư Trần Văn Dũng - Giám đốc Cty Vitiland (TP HCM), tác giả của Đề án “Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng” trao đổi với PV Dân trí ngay sau khi Đề án trên được chấm giải Nhất trong cuộc thi thiết kế xây dựng "Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa".

Chương trình chung khảo và công bố kết quả do Tổng LĐLĐ VN thực hiện sáng 20/12 tại Hà Nội.

Thưa ông, điều trăn trở lớn nhất của ông khi tham gia thiết kế biểu tượng tại cuộc thi thiết kế xây dựng "Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa" là gì?

Biểu tượng của cuộc thi đòi hỏi tính phổ quát, bao hàm nhiều ý nghĩa. Đây là một thách thức không hề nhỏ với các kiến trúc sư.

Biểu tượng phải giúp người xem liên tưởng tới Hoàng Sa - vùng biển đảo của Tổ quốc hiện chưa về với đất mẹ. Đồng thời biểu tượng phải đại diện cho những người đã ngã xuống trong quá trình xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa cách đây hàng trăm năm, như: Thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Nhà Nguyễn và các chính quyền tiếp theo…

Biểu tượng còn đại diện cho các ngư dân VN đang ngày đêm bám biển kiếm sống và bảo vệ chủ quyền đất nước. Tôi coi những ngư dân kiên trì bám biển đó cũng là nghĩa sĩ, giống như tên của khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.

Ngoài ra, biểu tượng còn đại diện cho tương lai. Đó là việc tôn vinh cho những người có thể phải hy sinh trong tương lai vì chủ quyền biển đảo.

Như vậy, biểu tượng phải đảm bảo 3 “lớp” thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.


Kiến trúc sư Trần Văn Dũng

Kiến trúc sư Trần Văn Dũng

Vậy lý do gì khiến ông quyết định chọn biểu tượng “Mẹ thắp lửa” làm hình ảnh chủ đạo cho Mô hình khu tưởng niệm?

Đến Lý Sơn để tìm kiếm ý tưởng, tôi vô tình chứng kiến hình ảnh nhiều người mẹ, người vợ ra bờ biển ngóng tin chồng, con đi biển vào các buổi chiều. Trong khi đó, người thân của những phụ nữ trên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trên biển. Thậm chí nhiều người có thể đã tử vong và thân xác còn ở nơi biển xa, thay vào đó là những ngôi mộ gió trên đảo.

Như vậy, người phụ nữ chờ đợi chính là chứng nhân vắng mặt của những người đang tham gia vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo. Tôi đã quyết định chọn hình ảnh người phụ nữ chờ đợi, bởi tính đại diện mà không có bất cứ hình ảnh nào khác có thể thay thế được.

Đây cũng còn là một thực tế tại Việt Nam, hình ảnh mẹ chờ chồng, con trở về luôn là câu chuyện diễn ra cả ngàn đời nay trong dòng chảy lịch sử oai hùng của đất nước.

Câu chuyện thắp lửa từ thiết kế tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa - 3

Dùng hình ảnh người chờ đợi để nhắc nhớ tới người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước là một ý tưởng hay. Tuy nhiên trong sử sách Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ chờ chồng - vọng phu đã từng được nhắc tới. Vậy khi hình thành ý tưởng mô hình này, ông đã tập trung vào những điểm nhấn gì để tạo sự khác biệt?

Sự khác biệt thể hiện rõ của hình ảnh người mẹ của vùng biển đảo, nhìn ra biển và tay cầm ngọn đèn như một ngọn hải đăng định hướng. Tôi đã chứng kiến những buổi tối trên biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), hàng trăm con tàu đang hoạt động đã tạo ra những ngọn đèn lung linh.

Tôi liên tưởng những con tàu với hình ảnh những người con đang ở ngoài khơi và cần tới một người mẹ - điểm tựa chờ đón con trở về. Hình ảnh người mẹ soi đèn cho cả những người con đang sống trở về. Thậm chí có thể soi đèn cho những người con đã mất tìm đường trở về mỗi khi có người tưởng nhớ.

Xa hơn, “người mẹ” cũng soi đèn cho Hoàng Sa - một vùng đất máu thịt của đất mẹ Tổ quốc một ngày nào đó thấy đường về với đất mẹ.

Câu chuyện thắp lửa từ thiết kế tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa - 4

Thưa ông, cụm công trình tưởng nhớ trên sẽ được thiết kế tổng thể ra sao để tại ra điểm nhất giữa một vững biển đảo Lý Sơn rộng lớn? Việc thi công bức tượng sẽ bằng chất liệu gì?

Theo phác thảo, tượng Mẹ thắp đèn sẽ được xây dựng trên sườn núi và hướng ra phía biển Hoàng Sa. Hai tay của tượng nâng ngọn đèn ngang ngực trái như thể hiện ngọn lửa vĩnh cửu từ trái tim, thể hiện sự yêu thương tới các con của mình.

Bóng đèn hình trái tim như một thông điệp về niềm tin về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngọn đèn cũng là một điểm nhấn, soi rọi và dẫn đường các ngư dân bám biển thấy được hậu phương.

Phía trước tượng Mẹ thắp lửa sẽ có một ngôi nhà tưởng niệm hình tròn dạng bán hầm. Phía trên ngôi nhà có một khoảng trống lớn - biểu tượng cho sự thiếu vắng tạm thời của Hoàng Sa. Nền khoảng trống là bản đồ của quần đảo Hoàng Sa làm bằng đá đen.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ nối 2 công trình trên bằng hệ thống đường lượn xoáy trôn ốc. Du khách đứng trên đường lượn này có thể nhìn thấy tượng mẹ thắp lửa và nhìn ra vùng biển Hoàng Sa. Ở dưới cùng, chúng tôi để một dòng chữ: “Tưởng nhớ những người đã ngã xuống để xác lập chủ quyền và bảo vệ Hoàng Sa”. Ngoài ra sẽ có thêm 1 số công trình phụ và đường dẫn lên xuống…

Về chất liệu tượng, bức tượng Mẹ thắp lửa có thể được làm bằng chất liệu kim loại nhằm mang tính mạnh mẽ và hiện đại. Đây là thách thức với chúng tôi trong việc tìm nhà sản xuất và vật liệu có thể chịu được ánh sáng mặt trời chói lóa và môi trường biển.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN: Cuộc thi mẫu thiết kế "Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các kiến trúc sư, nhà điêu khắc trong toàn quốc. Hội đồng thẩm định đã nhận được hơn 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, cá nhân…

Người dân quan tâm và Hội đồng chấm giải đã gặp nhau ở những quan điểm chung, như: Khu tưởng niệm phải có ý tưởng độc đáo nhưng tạo cảm giác gần gũi, đảm bảo tính khá thi khi xây dựng trên đảo Lý Sơn, tạo vẻ đẹp xứng tầm với ý sự mong mỏi và gửi gắm của người dân trong nước và Việt kiều.

“Hội đồng chung khảo đã chọn 4 Đề án có nhiều ý tưởng hay nhất vào vòng xét duyệt và bỏ phiếu. Kết quả, Đề án “Người mẹ thắp lửa” có số phiếu bình chon cao nhất. Trước đó, Đề án này đã nhận được sự bình chọn của đông đảo người dân trong các cuộc triển lãm tại TPHCM. Ngày 17/1/2016, Lễ đặt viên đá đầu tiên cho Khu tưởng niệm sẽ diễn ra tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là buổi công bố chính thức Mô hình khu tưởng niệm và xúc tiến xây dựng khu tưởng niệm Lý Sơn” - ông Trần Thanh Hải cho biết.

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm