Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa như một cuộc chạy tiếp sức!
(Dân trí) - Triển lãm tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TT&TT tổ chức tại các địa phương, sau đó tặng lại tư liệu và địa phương tiếp tục mang đi triển lãm trong các huyện. Chuỗi sự kiện diễn ra như một cuộc chạy tiếp sức, tạo nên hiệu quả sâu rộng.
Ông Đoàn Công Huynh – Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), Phó trưởng ban tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (gọi tắt là triển lãm) – cho biết: Tính từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Hà Tĩnh vào ngày 2/6/2013, đến nay, sau hơn 2 năm, Bộ TT&TT đã tổ chức 41 cuộc triển lãm tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tại 2 đơn vị lực lượng vũ trang. Đặc biệt có 9 cuộc triển lãm tổ chức ở các điểm đảo, huyện đảo: đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Triển lãm đã thực hiện được một chiến dịch truyền thông sâu rộng nhất từ trước tới nay về chủ quyền biển, đảo. Chiến dịch này hướng đến mục tiêu công khai, công luận và công pháp. Công khai bằng chứng, sự thật lịch sử để giành sự ủng hộ của công luận, nói lên tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam với người dân và bạn bè thế giới, và góp phần chuẩn bị hồ sơ pháp lý phù hợp với công pháp quốc tế để phục vụ đấu tranh pháp lý lâu dài, và để khởi kiện ra tòa quốc tế về việc Trung Quốc đã có 1 loạt hành động xâm chiếm chủ quyền biển đảo nước ta khi có điều kiện và thời cơ chín muồi .
“Sau mỗi cuộc triển lãm do Bộ TT&TT tổ chức tại các địa phương, sau đó Bộ trao tặng lại toàn bộ tư liệu cho địa phương, đến lượt mình, địa phương tiếp tục mang đi triển lãm lưu động ở các địa bàn khác nữa trong huyện. Chuỗi sự kiện diễn ra như một cuộc chạy tiếp sức, tạo nên hiệu quả sâu rộng. Điển hình như tỉnh Quảng Nam, Bộ TT&TT tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, có 253 đoàn khách tham quan với 8.000 lượt người xem. Sau đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức triển lãm lưu động tại 3 huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước, có 251 đoàn khách tham quan với 6.000 lượt người xem” – ông Huynh nói.
Cũng theo ông Huynh, cách chạy tiếp sức đó, với 41 cuộc triển lãm vừa qua, ước tính có hơn 300.000 người đến xem và nghiên cứu trực tiếp, phục vụ truyền thông, nghiên cứu, học tập. Với kế hoạch tiếp tục của 2 năm tới, Triển lãm sẽ sớm vượt quá con số 1 triệu lượt người dân tiếp cận trực tiếp tư liệu, hiện vật, từ triển lãm.
“Trong sổ cảm tưởng đặt tại triển lãm, một người dân đã ghi ý kiến của mình như sau: “Trăm nghe không bằng một thấy, đến xem triển lãm mới hiểu rõ cái lý cái tình của cha ông chúng ta trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Tổ quốc”” – ông Huynh cho biết.
Bên cạnh thành công của một chiến dịch truyền thông, triển lãm còn giúp người xem hiểu về một câu chuyện pháp lý khá mạch lạc và có hệ thống xung quanh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Từ lâu, các cơ quan chức năng đang xây dựng bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tức “cuốn sổ đỏ” Biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết cụ thể đó là gì, vì đó đang còn là bí mật quốc gia. Với Triển lãm nói trên lần đầu tiên, người xem được tiếp cận câu chuyện pháp lý một cách cơ bản nhất.
Triển lãm cũng chính là trưng bày lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, trách nhiệm và bổn phận của Lãnh đạo và công dân đối với biển đảo thiêng liêng. Triển lãm còn gây được cảm xúc về lòng yêu nước, tình cảm dân tộc, gia tăng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng lòng tin trong nhân dân.
Ngoài ra, Triển lãm là cuộc trưng bày về lòng tri ân. Tri ân tiền nhân đã đổ mồ hôi xương máu để lại cơ đồ cho chúng ta có một tổ quốc sơn hà, tổ quốc không gian và tổ quốc đại dương để chúng ta sinh tồn, và gìn giữ cho con cháu muôn đời.
Nguyễn Dương