Câu chuyện cảm động về người cha tái sinh sự sống cho con
Đang hừng hực sức sống, anh Trần Quang Thắng bỗng thấy cơ thể mệt mỏi rã rời, người nôn nao, vùng thắt lưng đau quặn liên hồi. Bác sĩ nói anh bị suy thận giai đoạn cuối. Và người cha già đã gần 60 tuổi đã tái sinh sự sống cho anh.
Tái sinh
Ông Trần Xuân Cầu (bố anh Thắng) cùng cháu nội.
Thấy da Thắng (Khu tập thể Đường sắt Gia Lâm - Hà Nội) tái nhợt, mệt mỏi, nằm vật ở phản khi đi làm về, gia đình lập tức đưa anh đi khám. Bác sĩ cho biết: “Huyết áp 200/90. Bệnh suy thận của anh đã vào giai đoạn cuối, hai quả thận đã teo và đen lại. Tính mạng của anh đang trong cơn nguy kịch. Nếu không tác động kịp thời, sự sống chỉ có thể tính được từng ngày”.
Trước sự sống và cái chết, Thắng đã phải suy nghĩ rất nhiều. Anh không muốn chạy thận, bởi nếu không được làm việc, đối với anh cuộc sống dường như là chấm dứt. Mà nếu chọn phương pháp ghép thận thì đương nhiên một người nào đó trong gia đình Thắng phải cắt đi một quả thận. Chỉ nghĩ đến thôi, Thắng không thể đành lòng.
Ông Trần Xuân Cầu - bố của anh Thắng - nói với cả gia đình: “Không thể để Thắng chết được, bằng mọi cách phải cứu lấy nó”. Và một cuộc họp gia đình cả bên nội bên ngoại bàn tính đến việc giành giật sự sống cho Thắng diễn ra. Huy động cả anh em bên nội, bên ngoại... cuối cùng có 8 người tự nguyện đi xét nghiệm để cho thận.
“Sau nhiều lần xét nghiệm, cuối cùng chỉ có bố là hòa hợp 100% với tôi (cùng huyết thống, máu, gen...). Bố lúc này đã gần 60, lại thêm bệnh dạ dày nên tôi không hề muốn bố lên bàn mổ một chút nào. Lúc đó, gia đình cũng đã nghĩ đến phương án ra nước ngoài để ghép thận, nhưng vì sức khoẻ tôi quá yếu và chi phí cao nên bác sĩ khuyên không nên đi. Cuối cùng, không có sự lựa chọn nào khác, bố lại là người cho tôi thận”, Thắng kể lại.
Để cứu sống Thắng, ông Cầu xác định cuộc sống của mình sẽ ngắn đi. Nhưng với ông, điều đó không quan trọng. Ông muốn cho con được nhiều hơn thế nữa, nhiều hơn những gì mà quả thận già nua của ông có thể tái sinh được. Mặc dù ông Cầu không nói ra nhưng Thắng hiểu được tình yêu thương mà người cha già dành cho mình.
Sức mạnh của tình yêu thương
Thắng nhớ lại thời khắc mà cuộc sống của anh chỉ có thể tính được từng ngày: “Ban đầu, lúc quyết định ghép thận, thấy ai cũng động viên và nhiều người trong gia đình đều tự nguyện cắt đi một quả thận của mình, tôi cảm động và hy vọng về khả năng được cứu sống của mình. Nhưng khi mọi người đi làm xét nghiệm HLA (tỷ lệ hòa hợp về tế bào) thì không có ai hòa hợp. Chỉ còn tia hy vọng mong manh cuối cùng là bố tôi. Tôi không tin là thận của bố có thể cứu sống được mình và tôi cũng không bao giờ mong chờ điều đó”.
Ngược lại với Thắng, ông Cầu nghĩ con mình không thể chết được. Linh cảm của người bố như mách bảo rằng, ánh sáng của sự sống sẽ mở ra với Thắng, không phải ai khác mà chính ông là người hòa hợp với con nhất. Ông cùng Thắng đi khắp các bệnh viện: Bạch Mai, 108, Việt Xô và cả trường ĐH Y Hà Nội để làm xét nghiệm. “Cuối cùng, ông trời đã thương bố con tôi. Kết quả xét nghiệm HLA giữa tôi và Thắng hòa hợp 100%”, ông Cầu nói. Dù trong người lúc này đang mang bệnh dạ dày nhưng hy vọng cứu sống con đã thôi thúc ông Cầu quyết tâm chiến thắng bệnh tật.
Muốn được cho thận con, ông phải chữa khỏi bệnh dạ dày. Nằm bệnh viện mấy tháng trời, ròng rã hết uống thuốc nam lại thuốc tây... cuối cùng bằng sự lo lắng và tình yêu thương của người cha dành cho con, bệnh tật đã được đẩy lùi. Khỏi bệnh dạ dày thì ông Cầu lên bàn mổ cùng với Thắng, để bác sĩ tiến hành lấy một quả thận của ông chuyển sang cơ thể Thắng.
“Tôi phải chạy thận 4 tháng thì mới có thể tiến hành ghép được. Những ngày chạy thận tôi yếu đến nỗi, có lúc tưởng mình chết. Trời rét, có lúc đau đớn đến mức không muốn chịu đựng thêm nữa. Lúc đó, vợ tôi sắp đẻ nhưng vẫn cứ phải chạy đi chạy lại lo vay tiền, lo các thủ tục bệnh viện cho chồng. Nhìn cô ấy vác cái bụng to tướng đi khắp bệnh viện, tôi chỉ muốn mình chết quách đi cho xong. Trước ngày ghép thận một tuần thì vợ tôi sinh con (sinh mổ). Nhà cả ba người, vợ tôi, bố tôi và tôi đều lên bàn mổ”, mắt Thắng đỏ hoe khi nhớ lại những ngày tháng cam go nhất của mình.
Ca mổ của Thắng có khoảng gần hai chục bác sĩ luôn túc trực bên cạnh. Điều hành ca mổ là TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Ca mổ kéo dài 8 tiếng nhưng 16 tiếng sau Thắng mới tỉnh. Ca ghép thành công ngoài mong đợi, không chỉ riêng gia đình Thắng mà cả bệnh viện hết sức vui mừng.
Không phải ai cũng dám cắt thận
Sau khi cắt đi một quả thận để cứu sống con, đến nay đã qua hai năm nhưng ông Cầu không phải đi viện một lần nào. Tuy nhiên, do một phần tuổi cao, một phần cơ thể chỉ có một quả thận nên sức khỏe có giảm đi. Khi gặp chúng tôi, kể chuyện Thắng, ông rất vui vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho con mình. Ông còn cười đùa rằng “nếu còn hai quả nữa, tôi vẫn sẽ lại cắt đi cho con”.
Còn Thắng, hai năm nay anh khỏe mạnh, làm việc bình thường. Tuy nhiên, do quả thận mà Thắng đang sống nhờ đã “già” nên thỉnh thoảng anh lại phải vào viện kiểm tra. Từ khi ghép thận đến nay, Thắng vẫn phải duy trì uống thuốc hàng ngày như: thuốc chống đào thải, trợ tim, thuốc thận, thuốc hạ huyết áp... Lo tiền thuốc hàng tháng là cả một vấn đề nhưng may mắn anh vẫn kiếm đủ tiền để lo thuốc thang.
Nếu biết giữ gìn, Thắng vẫn có thể duy trì sức khỏe để làm việc bình thường như trước đây. Tuy nhiên, đối với nhưng ca ghép thận ở Việt Nam thì tuổi thọ trung bình khoảng 10 năm. Khi đó, nếu muốn sống thêm, bắt buộc những người như Thắng phải tiến hành tìm kiếm nguồn thận để ghép lần thứ hai. Nhưng việc tìm nguồn thận quả là một vấn đề nan giải đối họ. Ra nước ngoài thì có sẵn nguồn thận nhưng chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Bởi vậy với Thắng, “một lần vượt qua cái chết vẫn chưa thể coi là đã hết khó khăn”.
Đối với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (độ 3 và độ 4) có ba cách cứu chữa và điều trị: Một là lọc màng bụng, tức là lấy màng bụng của mình để lọc những chất bẩn ra ngoài thay cho quả thận. Hai là chạy thận nhân tạo cả đời tức là sẽ lọc máu bằng máy 3 lần mỗi tuần, mỗi lần 4 tiếng tại bệnh viện. Ba là thay thận mới.
Trong 3 phương pháp này, ghép thận là tốt nhất. Bởi sau ghép, sức khoẻ của bệnh nhân dường như trở về bình thường. Nếu ghép thành công bệnh nhân có thể duy trì công việc bình thường như trước đây bằng cách uống thuốc. Còn phương pháp lọc và chạy thận bắt buộc bệnh nhân phải gắn bó với bệnh viện cả đời. Tuy nhiên, phương pháp ghép thận không đơn giản vì các bệnh viện không có sẵn nguồn thận.
Theo TS Nguyễn Tiến Quyết, mặc dù kỹ thuật ghép thận của các bác sĩ trong nước không thua kém gì nước ngoài, nhưng không mấy bệnh nhân được ghép vì không có nguồn. Những đồng nghiệp nước ngoài khi sang Việt Nam công tác, họ rất ngạc nhiên vì cách cứu người chữa bệnh của ta. Cứ cứu được một người lại phải cắt đi một phần cơ thể của một người khỏe mạnh khác trong gia đình. Trong khi đó ở các nước như Trung Quốc, Singapore... họ thường lấy nguồn nội tạng từ những người được xác định là đã chết để ghép cho bệnh nhân nên lúc nào họ cũng sẵn nguồn. |
Theo Lâm Phương
Gia đình & Xã hội